Thay đổi lớn nhờ chương trình 'Đồng hành cùng phụ nữ biên cương'

(PLO) - Sau hơn 7 tháng triển khai, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018 – 2020 (do TƯ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức) đã tạo được sức lan tỏa rộng lớn, nhận được sự chung tay hỗ trợ của đông đảo cộng đồng, tạo ra nguồn lực hỗ trợ phụ nữ vùng biên giới xây dựng kinh tế, bám đất giữ vững biên cương...
Triển khai chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tại xã Phong Nặm, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.
Triển khai chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tại xã Phong Nặm, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

Cuộc sống đã bớt dần khó khăn

Tháng 6/2018, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo (tỉnh Quảng Bình) phối hợp với Hội LHPN TP Đồng Hới tổ chức Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tại xã Dân Hóa. Trong số phụ nữ được hỗ trợ có chị Hồ Thị Coong (ở bản Hà Nông), hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Bản thân chị bị thoát vị đĩa đệm và lao xương nên chỉ nằm một chỗ.

Con gái thứ ba của chị là Hồ Thị Thây mới 16 tuổi đã là trụ cột của gia đình vì mẹ ốm, chị gái đi lấy chồng, anh trai đi học xa. Trước đây, Thây cứ một ngày đi học, một ngày đi làm nương lấy tiền nuôi anh đi học, nuôi mẹ, nuôi em trai Hồ Phon mới học tiểu học. Nhưng giờ khó khăn quá Thây cũng đã phải nghỉ học, nhưng chưa khi nào ước mơ đi học trong em nguội tắt.

Bên cạnh việc hỗ trợ gia đình chị Hồ Thị Coong 3 con lợn, trong đó có 1 con đang chửa, nhằm rút ngắn thời gian sinh đàn, sớm giúp gia đình bớt khó khăn, thì Hội LHPN và Đồn Biên phòng cũng đang nỗ lực tìm cách để giúp Thây có thể đến trường lại...

Ở khu vực biên giới phía Bắc, chị Hoàng Thị Tào (ở thôn Nà Pè, xã Bác Xa, huyện Đình Lập, Lạng Sơn) là một trong những phụ nữ đầu tiên được thụ hưởng từ Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”.

“Chúng tôi sống ở vùng biên giới, miền núi vùng sâu, vùng xa nên điều kiện tự nhiên rất khó khăn, không thuận lợi cho nuôi trồng, sản xuất hay giao thương buôn bán. Kế sinh nhai của cả nhà 4 người chỉ biết trông vào 1ha rừng thông lấy nhựa. Thu nhập chỉ khoảng 20 triệu đồng/năm, không có nguồn thu nào khác nên đời sống còn rất nhiều khó khăn.

Căn nhà đã cũ nát, mưa xuống là dột; đến cái nhà vệ sinh cũng chưa được xây sửa cho hợp vệ sinh. Tôi biết sẽ ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe nhưng không có tiền thì đành chịu. Gia đình chúng tôi mong muốn được chương trình hỗ trợ, giúp đỡ cho vay vốn để nuôi thêm lợn, gà, tăng thu nhập, tích góp tiền sửa nhà, mua đồ dùng cần thiết” – chị Tào cho biết.

Có thể thấy thôn Nà Pè (chủ yếu là dân tộc Nùng) cũng như nhiều vùng là địa bàn vùng biên giới khác, người dân không có nghề phụ gì, chăn nuôi cũng hạn hẹp, nhỏ lẻ, tự sản tự tiêu, không biết kinh doanh buôn bán.

Từ khi có Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, phụ nữ nghèo nơi đây được hỗ trợ vốn sản xuất, được tập huấn nâng cao kiến thức làm kinh tế và kỹ năng chăm sóc, xây dựng gia đình, nuôi dạy con; không còn phải tính tới chuyện di cư đến nơi khác làm thuê. Cuộc sống nhờ vậy mà bớt dần khó khăn, chị em người Nùng nơi đây yên tâm bám đất sản xuất, giữ vững từng tấc đất quê hương.

Hỗ trợ 110 xã biên giới, hải đảo

Tổng kết bước đầu Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” sau hơn 7 tháng triển khai, theo thông tin từ TƯ Hội LHPNVN. Cả nước hiện có 435 xã biên giới đất liền, trong đó có 267 xã đặc biệt khó khăn. Tính đến hết tháng 9/2018, tổng kinh phí huy động hỗ trợ các xã biên giới khó khăn được gần 27 tỷ đồng từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

Có 110 xã biên giới, hải đảo khó khăn được nhận hỗ trợ. Theo Hội LHPNVN, căn cứ kết quả khảo sát trực tiếp thực trạng, nhu cầu, nguyện vọng cần giúp đỡ của hội viên, phụ nữ tại các địa bàn biên giới, các cấp Hội ưu tiên lựa chọn và tổ chức đa dạng các hoạt động hỗ trợ theo hướng phát huy nội lực của phụ nữ và thế mạnh của địa phương như: trực tiếp hướng dẫn phương pháp, cách thức nhằm chuyển giao khoa học công nghệ cho người dân tại địa phương tự thực hành; tổ chức các hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế mang tính lâu dài như xây dựng mô hình giúp phụ nữ phát triển kinh tế, hỗ trợ các công trình dân sinh phục vụ đời sống của hội viên, phụ nữ biên giới… 

Bên cạnh việc chuyển giao khoa học công nghệ, tổ chức các hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, Hội HLPN các tỉnh ưu tiên tổ chức các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ Hội cơ sở, truyền thông nâng cao kiến thức và kỹ năng về những vấn đề thiết yếu của cuộc sống và được đông đảo hội viên, phụ nữ quan tâm như: di cư lao động an toàn, tham gia bảo vệ đường mốc biên giới; phòng ngừa tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, phòng chống mua, bán người, ma túy, bạo lực gia đình, kỹ thuật sản xuất kinh doanh…

Những địa phương làm tốt chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” là: Đồng Tháp, Tây Ninh, Quảng Trị, Đắc Lắk, TP HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh…

Không chỉ Hội LHPN có nhiều cách làm mới để thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” như phát động nhắn tin ủng hộ phụ nữ vùng biên có nguồn lực xây dựng mô hình sinh kế huy động được 1,4 tỷ đồng hỗ trợ cho 14 mô hình sinh kế, mà ở góc độ các đồn biên phòng, cũng có nhiều hình thức đồng hành giúp phụ nữ biên cương.  

Đơn cử như, ở Quảng Bình, Đồn Biên phòng Làng Ho, Làng Mô nhận thấy ở các bản làng của người Bru Vân Kiều trên dải Trường Sơn phụ nữ hút thuốc còn nhiều hơn đàn ông và điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của phụ nữ, trẻ em cũng như kinh tế gia đình.

Bởi vậy, khi triển khai chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, Đồn Biên phòng Làng Ho và Hội LHPN huyện Lệ Thủy, Hội LHPN xã Lâm Thủy bên cạnh việc tặng quà cho các phụ nữ khó khăn, còn triển khai mô hình “Chi hội phụ nữ không khói thuốc” để mọi người cùng hiểu tác hại của thuốc lá và trách nhiệm với trẻ em.

Ở bản Chân Trộông xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh tỷ lệ phụ nữ mù chữ khá cao, nhiều người vẫn phải điểm chỉ khi cần thiết. Bởi vậy, Hội LHPN xã và Đồn Biên phòng Làng Mô đã mở lớp học xóa mù chữ cho phụ nữ bản Chân Trộông khi triển khai chương trình... 

Đọc thêm