Thủ tướng: Lo tập trung phát triển kinh tế, nhưng không thể bỏ quên những vấn đề xã hội bức bối

(PLVN) - Sáng nay (2/4), phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tình hình kinh tế thế giới dự báo gặp nhiều khó khăn, đặt ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ tập trung cho tăng trưởng kinh tế, mà bỏ quên những vấn đề xã hội bức bối.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc phiên họp
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc phiên họp

Đánh giá tình hình kinh tế của nước ta trong thời gian vừa qua, Thủ tướng cho biết, dù gặp nhiều khó khăn cả trong và ngoài nước, nhưng kinh tế xã hội quý 1/2019 vẫn đạt kết quả tích cực. Trong đó GDP quý 1 tăng khá, đạt 6,79%; kinh tế vĩ mô ổn định; chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2019 giảm 0,21%, bình quân quý 1 tăng 2,63%. Tình hình tài chính, tiền tệ, tỷ giá, lãi suất ổn định; dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng.

Điểm sáng của kinh tế quý 1/2019, đó là thu hút vốn đầu tư nước ngoài; xuất khẩu và tổng cầu tăng. Trong đó, đầu tư nước ngoài tăng gần 31%, vốn thực hiện trên 4 tỷ USD, vốn góp mua cổ phần tăng gấp 3 lần cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12%. Xuất khẩu tăng trong bối cảnh thương mại toàn cầu giảm tốc, giúp xuất siêu quý 1 là 536 triệu USD.

Bên cạnh đó, thu ngân sách quý 1 khả quan, đã đạt gần 27% dự toán. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt trên 28,4 nghìn doanh nghiệp, tăng cả về số doanh nghiệp và vốn. Tỷ lệ thất nghiệp thấp, chỉ 2,17%.

Dù bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng chậm lại trong năm nay, nhưng Thủ tướng cho biết, các tổ chức quốc tế vẫn đánh giá tích cực về tăng trưởng của Việt Nam. Trong đó, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng 6,8%, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng 6,6%, cao hơn bình quân khu vực châu Á-Thái Bình Dương dự báo tăng ở mức 6%... 

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức, Thủ tướng chỉ ra, vốn đầu tư phát triển của khu vực nhà nước giải ngân đạt thấp, vốn từ ngân sách Nhà nước chỉ đạt 14,7% kế hoạch năm. Vốn Trung ương quản lý giải ngân giảm 30,5% so với cùng kỳ năm trước. “Chúng ta kiên quyết không chấp nhận thực tế này. Tôi yêu cầu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành giải trình rõ và phải có biện pháp mạnh trong vấn đề thực hiện giải ngân vốn đầu tư công ngay trong tháng 4 này”, Thủ tướng nói và cho biết, khu vực công nghiệp, dịch vụ tăng chậm lại. Tín dụng tăng thấp. Việc thực thi Luật quy hoạch gặp nhiều khó khăn, tác động đến hoạt động đầu tư, nhất là dự án mới, nhiều quy hoạch hết hiệu lực trong khi quy hoạch tích hợp mới chưa ban hành.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng cho biết, các chuyên gia đánh giá, Luật đầu tư nước ngoài của Trung Quốc vừa được thông qua cởi mở và thông thoáng hơn, do vậy, sẽ tạo sức ép cạnh tranh trong thu hút FDI đối với các nước, trong đó có nước ta. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, địa phương cần nghiên cứu để có biện pháp tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, tạo nguồn lực cho kinh tế phát triển.

Thủ tướng cũng lưu ý tình trạng dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra ở 23 tỉnh; tình hình biến đổi khí hậu và hạn hán ở Tây nguyên và Tây Nam Bộ... tác động đến sản xuất trong nước.

Trước các thực tế đó, Thủ tướng chỉ đạo, với tinh thần trách nhiệm cao nhất trước Đảng, Nhà nước, nhân dân, chúng ta phải có trách nhiệm cao hơn nữa, vượt qua khó khăn thách thức để đạt và vượt mục tiêu 2019.

“Năm nay là năm chúng ta thực hiện tăng tốc, bứt phá, năm thực hiện di chúc của Bác trong các công việc cụ thể. Điều quan trọng nhất, cần tập trung cao nhất là đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế và giải quyết toàn diện các vấn đề xã hội, nhất là những lĩnh vực văn hóa, giáo dục. Tăng trưởng quý 1/2019 tuy khá cao nhưng thấp hơn quý 1/2018. Tăng trưởng năm nay là một thách thức vì tăng trưởng thế giới có xu hướng giảm, còn ta phải giữ. Năm nay là năm bản lề, là năm sát với năm cuối cùng để chuẩn bị Đại hội kết thúc nhiệm kỳ. Nếu có vấn đề gì xẩy ra sẽ ảnh hưởng đến tâm lý xã hội và các mặt khác của đất nước”-Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu khắc phục các điểm nghẽn của tăng trưởng, đặc biệt là giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Thủ tướng chỉ ra vốn ngân sách trung ương giải ngân giảm tới 30% so với cùng kỳ, trong đó, Bộ giao thông vận tải giảm 58,5%, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giảm 55,8%, Bộ Tài nguyên và Môi trường giảm 22,6%. Thủ tướng chỉ đạo kiên quyết không chấp nhận tình trạng giải ngân chậm này và yêu cầu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành giải trình rõ, đưa ra giải pháp mạnh để thúc đẩy giải ngân ngay trong tháng 4 này.

Bên cạnh đó, Thủ tướng nhận định nhiều vấn đề về xã hội phải quan tâm như: Tai nạn giao thông, an ninh trật tự, môi trường ở các địa phương, trong đó có vấn đề mê tín dị đoan ở Chùa Ba Vàng, vụ học sinh lớp 9 đánh đập bạn dã man ở Hưng Yên cũng như nhiều bạo lực học đường...

“Đây có phải vấn đề báo động không? Bộ GD&ĐT trách nhiệm ra làm sao cũng như các địa phương phải có biện pháp như thế nào, các đoàn thể, các cơ quan có chức năng trách nhiệm như thế nào trong vấn đề bạo lực học đường?, Thủ tướng đặt vấn đề và nhấn mạnh, chúng ta đang nói một câu chuyện là lo tập trung phát triển kinh tế, tăng trưởng kinh tế, nhưng không thể nào bỏ quên những vấn đề xã hội bức bối như vậy đối với đất nước. Những vấn đề xã hội nổi cộm như vậy khiến chúng ta phải suy nghĩ chứ không chỉ kinh tế, mặc dù tăng trưởng kinh tế là vô cùng quan trọng.

Từ đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên Chính phủ, chuyên gia, mỗi người một góc độ, mỗi người đóng góp ý kiến khác nhau để làm sao đất nước phát triển tốt nhất, là cơ quan quản lý kinh tế - xã hội của đất nước, trách nhiệm rất lớn với Đảng, với nhân dân.

Đọc thêm