Trung ương thảo luận những vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm

Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XII khai mạc sáng nay, 4/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Hội nghị lần này đề cập nhiều vấn đề rộng lớn, vừa cơ bản, vừa cấp bách.Tất cả đều là những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, có tác động trực tiếp đến đời sống của người dân, đến đông đảo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động...
Trung ương thảo luận những vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm

Cụ thể, tại Hội nghị, Trung ương sẽ thảo luận, cho ý kiến về tình hình kinh tế-xã hội và tài chính-ngân sách năm 2017, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán tài chính, ngân sách năm 2018; tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới; tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và một số vấn đề quan trọng khác.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, nội dung chương trình Hội nghị đề cập nhiều vấn đề rộng lớn, vừa cơ bản, vừa cấp bách, liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội hằng năm, đổi mới phát triển xã hội, đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới phát triển kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. Tất cả đều là những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, có tác động trực tiếp đến đời sống của người dân, đến đông đảo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cả nước, được xã hội đặc biệt quan tâm và kỳ vọng.

Sau khai mạc, Trung ương thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội và tài chính-ngân sách năm 2017, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán tài chính-ngân sách năm 2018. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết đây là công việc thường kỳ hằng năm tại các hội nghị cuối năm của Ban Chấp hành Trung ương nhằm rà soát lại tình hình kinh tế-xã hội, tài chính-ngân sách của đất nước, thấy rõ những ưu điểm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cả hệ thống chính trị. Từ đó phát huy mặt tốt, kịp thời điều chỉnh, uốn nắn những mặt chưa tốt, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội hằng năm và 5 năm đã đề ra.

Các thành viên Hội nghị sẽ thảo luận, phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện tình hình 9 tháng đầu năm, dự báo đến hết năm, qua đó, chỉ rõ những kết quả, thành tích nổi bật đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, nhất là những yếu tố tích cực mới xuất hiện, những vấn đề nổi cộm mới phát sinh. Chú ý đối chiếu với những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và các nghị quyết của Trung ương về phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững; thực hiện 3 đột phá chiến lược; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước; phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế...

Tổng Bí thư lưu ý, đặc biệt là cần chỉ rõ nguyên nhân vì sao một số việc chưa làm được, một số chỉ tiêu đạt thấp hoặc chưa đạt trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, chất lượng tăng trưởng chậm được cải thiện mặc dù tình hình trong nước và quốc tế năm 2017 nhìn chung thuận lợi hơn so với năm 2016.

Trên cơ sở đó dự báo các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, lường trước những khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua, đặc biệt là những khó khăn, thách thức trong việc khắc phục những hạn chế, yếu kém vốn có, tồn đọng từ lâu của nền kinh tế; những rủi ro về tài chính-tiền tệ, nhất là khi nợ công, nợ xấu còn cao, nhiều doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ.

Đồng thời, xác định rõ các mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản, quan trọng nhất cho năm 2018; đề ra các chính sách, biện pháp có tính khả thi cao, nhất là các chính sách, biện pháp đột phá để đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, kiểm soát nợ công; cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.

Đẩy mạnh tái cấu trúc đầu tư công, các doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập. Nâng cao chất lượng tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để huy động và sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường...

Đọc thêm