Vứt xe máy vệ đường cả ngày không lo mất trộm

(PLO) - Ở khu Tràng Vỹ (phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) ngư dân đi khơi, đi lộng ban ngày, nửa đêm thường vứt xe máy, xe đạp ở vệ đường cũng không bao giờ bị mất. Nhân dân Việt Nam - Trung Quốc ở hai bên bờ cửa sông Bắc Luân hàng chục năm qua chưa bao giờ xảy ra tranh chấp ngư trường. 
Người dân chỉ cào ngao trên bãi cát thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Người dân chỉ cào ngao trên bãi cát thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Nhân dân hai nước vùng hai cửa sông bao đời chung sống hiền hòa

Bà Nguyễn Thị Hương - trưởng khu Tràng Vĩ cho biết: “Khu Tràng Vỹ có 400 hộ dân, trên 90% làm nghề ngư nghiệp. Đó là nghề truyền thống từ xưa đến nay của bà con. Còn lại 10% dân số làm việc ở các công ty hay lao động tự do. Người dân nơi đây sống thuần phác, chấp hành tốt pháp luật. Ngư dân đi khơi, đi lộng ban ngày, nửa đêm thường vứt xe máy, xe đạp ở vệ đường từ sáng đến tối cũng chưa bao giờ bị mất. Nhà tôi thỉnh thoảng buổi tối quên đóng cửa sổ, cửa ra vào nhưng không thấy trộm viếng thăm. 

Các quy định của pháp luật thường khó hiểu, dân trí của người dân lại thấp, nếu không tuyên truyền thì bà con không nắm được. Từ trước đến nay, Đồn Biên phòng Trà Cổ có nhiều đợt tuyên truyền pháp luật cho bà con lồng ghép vào các cuộc họp khu dân cư để người dân nắm bắt ngư trường, chủ quyền lãnh thổ, không tiếp tay cho buôn lậu, tránh để “đầu nậu” lợi dụng vận chuyển hàng hóa trái phép, không được khai thác hải sản bằng khán điện. Từ việc tuân thủ tốt pháp luật, nhiều năm qua, ngư trường ổn định, nhân dân hai bên biên giới hai nước khi khai thác thủy, hải sản thường cứu hộ, cứu nạn thuyền đi biển gặp bão”. 

Cửa sông Bắc Luân đổ ra biển Trà Cổ rộng khoảng 7 km, nước lợ. Hằng ngày, mực nước thủy triều lên xuống chênh nhau 4-5m. Chúng tôi đến điểm mũi Sa Vỹ - nơi địa đầu Tổ quốc - vào buổi chiều. Nước rút để lộ bãi cát nâu sẫm mênh mông. Những người phụ nữ mải miết cào ngao trên cát. Do chủ yếu khai thác bãi bồi, mưu sinh của người dân nơi đây lệ thuộc rất nhiều vào điều kiện khí hậu, thủy triều.

Nếu vẽ bản đồ đất nước Việt Nam, nơi đặt nét bút đầu tiên chính là mũi Sa Vĩ. Thiếu tá Hồ Văn Tông - Đài trưởng Đài quan sát Đồn Biên phòng Trà Cổ -  giải thích cái tên Sa Vỹ như sau: “ Sa” là cát, “ Vĩ” là đuôi, nghĩa là đuôi cát. Mỗi khi thuỷ triều xuống, nơi đây nổi lên một doi cát dài, có người ví là đuôi Rồng. Cái doi cát ấy bao đời vẫn thế, không hề suy suyển, trường tồn với thời gian. 

Trước mặt chúng ta - trên cửa sông Bắc Luân là hai cột mốc 1377, 1378 - hai cột mốc cuối cùng biên giới Việt Nam- Trung Quốc. Phía đối diện là thôn Vạn Vỹ (trấn Giang Bình, thành phố Đông Hưng, Trung Quốc). Ở Sa Vỹ thường xuyên có 60 thuyền mảng của bà con đi đánh bắt cá, tôm, cào ngao. Gần giữa sông Bắc Luân, bà con nuôi hàu, hà. Ngư dân đánh bắt theo thời vụ. Mùa thu đi đánh tôm he, sau tết đánh bắt sứa. Ngao mùa hè nhiều hơn mùa đông. Cá mùa đông nhiều hơn mùa hè, còn sá sùng có quanh năm. Ngư dân đánh cá và những người phụ nữ cào ngao kia tuân thủ rất tốt các Hiệp định, Hiệp ước của hai bên Việt - Trung”.

Người dân thôn Vạn Vỹ cũng là người Kinh, gốc Việt. Những người dân Đồ Sơn khi đuổi theo luồng cá đã đến vùng đất này và một số hộ dân đã ở lại Vạn Vỹ lập nghiệp từ thế kỷ 16. Rồi họ trở thành người Trung Quốc theo Hiệp ước Pháp - Thanh năm 1887. Từ bao năm nay, ngư dân hai nước có ngư trường khai thác chung, không có tranh chấp, va chạm. Trên sông, nổi lên hai - ba bãi cát, nhân dân hai nước cùng khai thác chung, phụ nữ chủ yếu ra đây cào ngao, đào sá sùng. Năm 2014, khu Tràng Vỹ và thôn Vạn Vỹ đã tổ chức Lễ ký kết nghĩa cụm cư dân biên giới.

Lồng ghép vào các cuộc họp khu dân cư, cán bộ Đồn Biên phòng Trà Cổ, BĐBP Quảng Ninh có nhiều đợt tuyên truyền để bà con nắm vững pháp luật, làm ăn, sinh sống hiền hòa, hữu nghị. 

Còn khó khăn trong tuyên truyền Hiệp định về cửa sông Bắc Luân

Ngày 5/11/2015, Hiệp định về tàu thuyền đi lại tại khu vực tàu thuyền đi lại tự do ở cửa sông Bắc Luân giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Hoa được ký kết.

Theo đó, tàu thuyền của hai bên được đi lại tự do theo quy định của Hiệp định nằm trong phạm vi “khu vực tàu thuyền đi lại tự do ở cửa sông Bắc Luân”  quy định tại Điều 11 Nghị định thư phân giới cắm mốc và Phụ lục I đính kèm ký tại Bắc Kinh ngày 18/11/2009. Hiệp định ra đời nhằm đảm bảo cho tàu thuyền hai nước đi lại tự do, an toàn, đúng quy phạm và duy trì trật tự đi lại trong khu vực cửa sông Bắc Luân, phát huy đầy đủ vai trò của hoạt động vận tải thủy đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực ven bờ giữa hai nước. 

Đồn Biên phòng Trà Cổ đảm bảo an ninh trật tự hai phường là Trà Cổ và Bình Ngọc. Tại phường Trà Cổ, Đồn đã tổ chức tuyên truyền Hiệp định về tàu thuyền đi lại tại khu vực tàu thuyền đi lại tự do ở cửa sông Bắc Luân. Phường Bình Ngọc chưa tổ chức tuyên truyền.

Thiếu tá Hà Thế Kỷ - Phó Đồn trưởng nghiệp vụ: “Công tác tuyên truyền về Hiệp định của Đồn hiện gặp khó khăn. Phía Trung Quốc chưa tổ chức triển khai thực hiện Hiệp định. Còn Việt Nam, hiện chưa có văn bản dưới luật quy định chi tiết các điều khoản thi hành. Cơ quan thực thi pháp luật chưa tiến hành các hoạt động như phân luồng, thả phao, quy định khu vực luồng giao thông, khu vực đỗ đậu, khu vực đánh bắt hải sản. Vì vậy, khi tổ chức tuyên truyền cho quần chúng nhân dân, một số nội dung còn hết sức chung chung. Để quần chúng nắm được và thực hiện tốt thì phải tổ chức tuyên truyền nhiều lần”.

Đọc thêm