Xốc lại nghịch lý giáo sư, tiến sĩ nhiều mà sản phẩm khoa học ít

(PLO) - Tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ KHCN mới tổ chức hội nghị “Phát triển khoa học công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2017-2025”. Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng KHCN Chu Ngọc Anh đồng chủ trì hội nghị.
Xốc lại nghịch lý giáo sư, tiến sĩ nhiều mà sản phẩm khoa học ít

Hơn 300 đại biểu là lãnh đạo, nhà khoa học, giảng viên của  các cơ sở giáo dục đại học, Viện nghiên cứu, các Bộ/ngành, các doanh nghiệp quan tâm tới nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tham dự hội nghị. 

Hội nghị nhằm mục đích tìm các giải pháp khả thi để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển KHCN trong các cơ sở giáo dục đại học phù hợp với thực tế trước mắt cũng như yêu cầu lâu dài về nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, Hội nghị còn là cơ hội để các trường đại học tiếp cận với định hướng phát triển khoa học công nghệ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.

Theo khảo sát, ở Việt Nam hiện nay, hoạt động đào tạo nhân lực của các trường đại học cung cấp hơn 90% nhân lực KHCN trong cả nước, 10% được đào tạo ở nước ngoài. Qua số liệu thống kê giai đoạn 2011-2015 cho thấy tổng số sản phẩm KHCN của khối các trường chiếm hơn 2/3 trong cả nước.

Nhóm các trường có dòng sản phẩm KHCN vượt trội nằm trong khối các trường đại học kỹ thuật công nghệ: Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, Trường ĐH Bách Khoa, ĐH Đà Nẵng. Tiếp theo là một số trường như ĐH Sư phạm, ĐH Thái Nguyên, ĐH Sư phạm Hưng Yên, ĐH Tây Bắc, ĐH Xây dựng, Trung tâm ươm tại ĐH Huế… có số lượng sản phẩm ở mức trung bình. Các trường còn lại có ít và rất ít sản phẩm.

Đối với hoạt động chuyển giao tri thức nói chung, hàng năm, các tổ chức KHCN trong các trường đại học ở Việt Nam đã thu hút đầu tư của nhà nước với tổng mức đầu tư bình quân 1.063 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ cao so với các tổ chức KHCN trong cả nước…

Khảo sát từ 142/271 trường đại học cho thấy, ngành giáo dục đang sở hữu một lực lượng dồi dào các nhà khoa học trình độ cao so với các ngành khác trong cả nước (chiếm hơn 50% so với cả nước) với nguồn nhân lực chất lượng cao (PGS, GS, TS), hơn hẳn nguồn nhân lực chất lượng cao tại các viện nghiên cứu. Tuy nhiên, trong hệ thống trường đại học ở Việt Nam, chưa có nhiều nhà khoa học đạt giải thưởng cao ở quốc tế và chưa có nhóm nghiên cứu mạnh tham gia các chương trình nghiên cứu lớn của quốc tế. Đáng lo là, phần lớn hệ thống các tổ chức KHCN của các trường đại học hiện nay chủ yếu là các phòng thí nghiệm chiếm 80%. Số lượng xưởng sản xuất và công ty KHCN là không đáng kể. 

Nhóm khảo sát cũng cho rằng, Bộ KHCN và Bộ GD&ĐT cần có chương trình phát triển các nhóm nghiên cứu gắn với thu hút nhân tài để hình thành trường phái và các sản phẩm KHCN lớn, tham gia làm việc trong môi trường các viện nghiên cứu lớn/trường đại học lớn/các tập đoàn lớn, qua đó dẫn dắt nền KHCN và nền kinh tế tri thức trong tương lai.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phân tích, nghiên cứu khoa học đã thực hiện ở nhiều nhà trường nhưng không đến nơi đến chốn, rất nhiều thời gian sức lực các trường dành cho đào tạo, dường như khoa học công nghệ được xếp sau. Tinh thần nghiên cứu không tương ứng với đào tạo trường sẽ không bền vững, các trường phải thấy rằng nghiên cứu tuy tốn kém, khó khăn nhưng tạo ra thương hiệu cho nhà trường, thu hút được sinh viên giỏi, giảng viên giỏi. Một trường không mạnh nghiên cứu khó giữ chân nhà khoa  học giỏi. 

Tại hội nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh đã ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ KHCN và GD&ĐT giai đoạn 2017-2025. Theo đó, mục đích hợp tác phát triển KH&CN nhằm đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT nâng cao năng lực KCKH, phát triển và chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực KHCN thúc đẩy liên kết giữa các cơ sở GDĐH, các viện nghiên cứu và các doanh nghiệp nhằm phục vụ sự nghiệp CNH - HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế…

Đọc thêm