Xót lòng rút ví trả tiền gửi xe đi lễ đầu năm

(PLO) - Sau 9 ngày Tết, lợi dụng tình trạng rất đông người dân đi lễ cầu may đầu năm, một số bãi gửi xe tại các chùa, đền, phủ ở Hà Nội, ngang nhiên "chém giá", thu về cả chục triệu đồng mỗi ngày.
Xót lòng rút ví trả tiền gửi xe đi lễ đầu năm
Mấy ngày đầu năm, hàng nghìn người dân và du khách Hà Nội tấp nập đến viếng thăm, làm lễ tại Phủ Tây Hồ. Ban quản lý di tích này đã bố trí khu vực gửi xe rộng rãi với sức chứa hàng nghìn chiếc xe máy và hàng trăm ô tô, trước lối vào Phủ.
Khu vực gửi xe tại Phủ Tây Hồ thuộc sự quản lý của Ban quản lý di tích Phủ Tây Hồ, vé giữ xe in rõ mức tiền là 3.000 đ/lượt, nhưng khi khách lấy xe ra, người trông giữ vẫn đòi trả 10.000 đồng/lượt, gấp hơn 3 lần so với giá quy định.
Vé gửi xe máy tại bãi gửi xe vào Phủ Tây Hồ in rõ 3.000 đồng nhưng thực tế, khách phải trả 10.000 đồng.
Vé gửi xe máy tại bãi gửi xe vào Phủ Tây Hồ in rõ 3.000 đồng nhưng thực tế, khách phải trả 10.000 đồng. 
Khi PV thắc mắc tại sao lại thu sai với giá vé, người thu tiền gửi xe tại khu vực trên giải thích, đây là mức giá dịp lễ hội ngày Tết.
Theo quan sát của PV thì trong bãi gửi xe có hàng trăm chiếc xe máy, cả trăm ô tô. Nếu thu với mức 10.000 đồng/lượt với xe máy, 50.000 đồng/lượt với ô tô, thì bãi gửi xe này có thể thu hàng chục triệu đồng mỗi ngày.
Ngoài bãi giữ xe thuộc Ban quản lý di tích, gần Phủ Tây Hồ "mọc" lên nhiều bãi xe tư nhân với mức phí 20.000 đồng/lượt gửi.
Tư nhân tự ý tổ chức trông xe và chèo kéo khách gửi trước lối vào Phủ Tây Hồ.
Tư nhân tự ý tổ chức trông xe và chèo kéo khách gửi trước lối vào Phủ Tây Hồ.
"Tôi thấy lối vào gửi xe của Phủ chật ních người, không thể dịch chuyển được, nên đành gửi xe bên ngoài rồi đi bộ vào. Tôi cũng nghĩ gửi một lát rồi ra, đắt nhất cũng 10.000 đồng, không ngờ bị đòi 20.000 đồng. Đầu năm không muốn cãi cọ, nên phải trả giá ấy, nhưng lòng ấm ức lắm", chị Nguyễn Bích Yến (Mai Dịch - Cầu Giấy) bức xúc nói.
Còn tại đền Quán Thánh, ngôi đền phải mua vé vào, tuy bãi gửi xe do Ban quản lý di tích mở thu tiền đúng giá ghi trong vé, nhưng sức chứa không đáp ứng nhu cầu người dân. Vì thế, dịch vụ trông giữ xe quanh đền cũng mọc lên như nấm với mức thu 10.000 đồng/lượt đối với xe máy.
Vé tại các bãi trông xe tự phát quanh đền Quán Thánh chỉ để ghi số xe, còn mức phí do người trông quy định.
Vé tại các bãi trông xe tự phát quanh đền Quán Thánh chỉ để ghi số xe, còn mức phí do người trông quy định. 
Trong vé của một số tư nhân tổ chức trông xe tại khu vực đền Quán Thánh có con dấu của Cục thuế thành phố Hà Nội, với mức phí in là 2.000 đồng/lượt xe máy, nhưng lúc thu tiền thì người trông xe vẫn "hét" 10.000 đồng.
"Cầm vé thấy có dấu đàng hoàng, lại ghi giá 2.000 đồng/lượt. Tôi ngạc nhiên, sao tư nhân mà thu rẻ thế. Nhưng chưa kịp dựng xe xong thì người trông xe đã thu trước 10.000 đồng", anh Lê Hiền (Đồng Đa - Hà Nội) cho biết.
Ngoài các địa điểm đền Quán Thánh, Phủ Tây Hồ, bãi trông xe gần chùa Trấn Quốc trông xe với mức 20.000 đồng/lượt; Văn Miếu - Quốc Tử Giám thu 5.000 đồng/lượt; chùa Hà: 5.000 đồng/lượt...
Trước đó, thành phố Hà Nội đã có đầy đủ quy định về phí và lệ phí, thực hiện niêm yết giá công khai và đảm bảo công tác về phòng chống cháy nổ đối với các điểm trông giữ xe. Theo quyết định sửa đổi mức phí trông giữ xe đạp, xe máy của UBND TP Hà Nội, từ ngày 2/1, phí trông giữ xe máy ban ngày tăng từ 2.000 đồng lên 3.000/lượt, ban đêm tăng từ 3.000 lên 5.000 đồng/lượt và xe máy gửi theo tháng từ 45.000 đồng lên 70.000 đồng/tháng. 
Mức thu phí xe đạp (kể cả xe đạp điện) bên ngoài các tòa nhà chung cư, trung tâm thương mại ban ngày tăng từ 1.000 đồng lên 2.000 đồng/lượt, ban đêm từ 2.000 đồng lên 3.000 đồng/lượt, cả ngày và đêm là 4.000 đồng/lượt. 

Đọc thêm