Xung quanh việc rà soát chức danh PGS,GS: Bao giờ 'đường đua' hết bất tận?

(PLO) - Mặc dù việc rà soát GS, PGS đã có kết quả bước đầu. Số lượng ứng viên không đạt tiêu chuẩn được báo cáo là 95, song nhiều ý kiến cho rằng, con số này vẫn còn rất khiêm tốn... Và điều quan trọng, không phải bao nhiêu ứng viên rà soát lại mà chất lượng thực sự của các GS, PGS sẽ ra sao?
Số người đạt chuẩn GS, PGS năm 2017 cao kỷ lục
Số người đạt chuẩn GS, PGS năm 2017 cao kỷ lục

Sẽ khắt khe hơn?

Sau khi rà soát lần sau, ngày 6/3, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước (HĐCDGSNN) đã công bố danh sách 1131 ứng viên GS, PGS chính thức đạt chuẩn năm 2017. Như vậy so với danh sách đầu tiên công bố, có 95 ứng viên GS, PGS lọt vào danh sách phải rà soát lại lần hai. GS. Bùi Văn Ga, Phó

Chủ tịch HĐCDGSNN cho biết, 95 ứng viên này không phải là không đủ tiêu chuẩn mà là do có một số tiêu chuẩn tổ thẩm tra của Bộ GD-ĐT cần có thêm minh chứng như giờ giảng, hướng dẫn nghiên cứu sinh, hướng dẫn nghiên cứu thạc sĩ hoặc là có đơn kiện. Chính vì vậy, sau khi tổ thẩm tra xác minh lại và báo cáo hội đồng vào cuối tháng 3 này thì con số ứng viên GS, PGS đủ tiêu chuẩn năm 2017 mới là con số cuối cùng.

Báo cáo về tình hình đăng ký và xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017, GS. Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký HĐCDGSNN cho biết các HĐCDGS cơ sở, HĐCDGS ngành thực hiện nghiêm túc, đúng quy chế và theo chỉ đạo của HĐCDGSNN, nhất là các chỉ đạo cụ thể, sát sao, kịp thời của Chủ tịch và Thường trực HĐCDGSNN.

Để được xét GS, PGS các ứng viên phải vượt qua 3 cấp hội đồng: Hội đồng chức danh GS cơ sở, Hội đồng chức danh GS ngành/liên ngành và Hội đồng chức danh GS nhà nước. Theo ông Nhung, sở dĩ tổng số ứng viên năm nay có tăng nhiều hơn so với các năm trước là do ngày hết hạn nộp hồ sơ muộn hơn gần 6 tháng so với năm 2016 (năm nay là 5/11, năm 2016 là 25/5). Trong 6 tháng đó số lượng ứng viên tích lũy đủ tiêu chuẩn được tăng lên như số bài báo, hướng dẫn thêm nghiên cứu sinh, học viên cao học…

Ông Nhung cũng cho rằng, có thể các ứng viên mong muốn được xét theo quy định hiện hành trước khi có sự thay đổi về tiêu chuẩn chức danh; nhưng vẫn đảm bảo chất lượng theo đúng quy định hiện hành. Quy định mà ông Nhung đề cập đến là Dự thảo mới nhất về quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn, bổ nhiệm, miễn nhiệm GS, PGS mà Bộ GD-ĐT trình Chính phủ được với nhiều yêu cầu khắt khe để thay thế cho Quyết định số 174 của Thủ tướng ban hành từ năm 2008.

Do đó, năm 2017 là năm cuối cùng xét công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS theo quy định của việc bổ nhiệm chức danh GS, PGS được quy định trong Quyết định số 174 ( được gọi là “chuyến tàu vét”). Theo dự thảo quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS mà Bộ GD-ĐT lấy ý kiến gần 1 năm nay tiêu chuẩn để được công nhận GS, PGS sẽ nâng lên rất cao và rất ít người có thể đạt được các tiêu chuẩn đó. 

Cũng cần nhấn mạnh rằng, theo quy định, HĐCDGSNN chỉ xét, công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS, còn việc bổ nhiệm các chức danh GS, PGS do các cơ sở giáo dục đại học thực hiện. Như vậy, có thể hiểu rằng một cá nhân được một cơ sở đào tạo phong chức danh GS, PGS có nghĩa là chức danh chỉ của riêng cơ sở đào tạo đó chứ không phải trên phạm vi toàn quốc với tất cả các cơ sở đào tạo. Ví dụ, khi giới thiệu GS hoặc PGS Nguyễn Văn A thì cần giới thiệu GS hoặc PGS Nguyễn Văn A của trường đại học A, B, C nào đó chứ không phải chỉ là GS/PGS của tất cả các trường đại học trên toàn quốc. 

Cần thay đổi quy trình rà soát

Bộ GD-ĐT đang khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định thay thế Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008 và Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ để áp dụng ngay từ đợt xét công nhận mới. 

Như vậy, ngày 6/3, danh sách 1.131 người được công nhận đủ tiêu chuẩn PGS/GS đã được công bố chính thức. Bảng vàng dù ghi nhận số lượng PGS/GS nhiều nhất từ trước tới nay, và nhiều hơn đáng kể so với Thái Lan, đất nước có thứ hạng khoa học cao hơn hẳn Việt Nam (khoảng 7.200 PGS/GS theo số liệu năm 2015), nhưng số lượng công bố của cả nước chỉ ngang với một trường đại học bậc trung trong bảng xếp hạng thế giới. Đáng buồn hơn, từ 4-5 năm nay, chỉ số sáng tạo của Việt Nam bị Ngân hàng Phát triển châu Á đánh giá thua kém cả Lào. 

Dư luận băn khoăn cũng là điều dễ hiểu khi mà  số lượng GS và PGS mới trong năm 2017 bỗng nhiên tăng đột biến, gấp đôi gấp ba những năm trước, cao nhất trong lịch sử 40 năm xét duyệt chức danh này. Năm 2016 có câu chuyện “lò” đào tạo tiến sĩ năng suất cao đến giật mình, mỗi ngày cho ra lò 1 vị. Năm 2017 lại đến chuyện của một số vị GS, PGS. Và sau những ồn ào vừa qua, dường như các chức danh GS, PGS, học vị tiến sĩ đã vơi bớt đi phần nào giá trị dưới con mắt của xã hội.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, nếu muốn tạo nên một đội ngũ GS đại học đích thực, các cơ quan hữu trách không thể rà soát hồ sơ của cá nhân các ứng viên theo tiêu chuẩn và quy trình hiện hành, mà phải rà soát toàn bộ hệ thống nhận thức - tiêu chuẩn - quy trình đã qua, để đạt đến nhận thức đúng đắn về chức trách GS đại học, từ đó tạo nên tiêu chuẩn mới và quy trình xét duyệt mới cho tương xứng với chuẩn mực quốc tế.

GS.TSKH Lương Xuân Quỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, các tiêu chí trong dự thảo mới được nâng cao hơn và theo hướng hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, một số nội dung trong dự thảo rất cần được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.  Và để chất lượng GS, PGS ngày càng được nâng lên, dự thảo cần quy định rõ tiêu chuẩn thành viên hội đồng các cấp, riêng về tiêu chuẩn ngoại ngữ, công bố khoa học thì bằng hoặc cao hơn ứng viên GS, PGS. Và, ứng viên GS phải có thời gian 6 năm làm PGS để có điều kiện tham gia đầy đủ các công việc và có độ chín, thay vì quy định 3 năm như trong dự thảo là quá ngắn. Tất nhiên, đối với những người có thành tích khoa học xuất sắc thì thời gian được rút ngắn đi…

TS Đàm Quang Minh, Tổ chức giáo dục Hoa Kỳ có quan điểm: GS, PGS nên là vị trí để phục vụ công việc. Theo đó, mỗi năm hàng trăm GS, PGS làm hồ sơ để được công nhận và hàng chục hội đồng xét duyệt gây tốn kém cho xã hội. Hiện nay, GS, PGS của Việt Nam ngày càng trở thành vị trí mang tính vinh danh nhiều hơn. Vậy nên có nhiều người sắp về hưu cũng phấn đấu trở thành GS, PGS trước khi nghỉ. Trong khi đó GS, PGS nên là vị trí để phục vụ công việc. Vì vậy, nên trả vị trí GS, PGS trở về vị trí đúng của nó trong các đơn vị nghiên cứu và đào tạo. Nhà nước chỉ cần yêu cầu tiêu chí cứng về năng lực chuyên môn, còn việc tín nhiệm và đánh giá về uy tín hãy để Hội đồng khoa học của các đơn vị tự thực hiện và đề xuất bổ nhiệm theo nhu cầu thực tế của các đơn vị sử dụng.

Đọc thêm