Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự: Phát huy vai trò trong giải quyết các vụ án lớn

(PLVN) - Ở địa phương, vai trò của các Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự (THADS) rất quan trọng, đặc biệt trong việc giải quyết các vụ án lớn, phức tạp. Đây cũng là nơi kết nối, phát huy sức mạnh của các thành viên, góp phần đạt và vượt các chỉ tiêu THADS.
Ban Chỉ đạo THADS Vĩnh Phúc nhiều năm nay đã phát huy vai trò trong công tác THADS. (Ảnh minh họa)
Ban Chỉ đạo THADS Vĩnh Phúc nhiều năm nay đã phát huy vai trò trong công tác THADS. (Ảnh minh họa)

Điều 173, 174 Luật THADS quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp tỉnh, huyện trong THADS, trong đó có việc chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan THADS cấp tỉnh.

Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BTP-BCA-BTC-TANDTC-VKSNDTC giữa Bộ Tư pháp, Bộ Công an, TANDTC, VKSNDTC ngày 19/5/2016 cũng quy định rõ nguyên tắc hoạt động; thành phần; chế độ làm việc; quan hệ công tác; vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo THADS tỉnh,  Ban Chỉ đạo THADS cấp huyện. 

Trên thực tế, hiện nay, ở địa phương, Ban Chỉ đạo THADS tỉnh, huyện được cơ cấu thành phần 01 Trưởng ban là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh;  01 Phó Trưởng ban là Cục trưởng Cục THADS.

Các Thành viên gồm: Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Công an cấp tỉnh. Còn tùy tình hình, nhiều địa phương  Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cơ cấu thành phần là  đại diện Sở Nội vụ, Sở Xây dựng, Tòa án nhân dân, Bảo hiểm xã hội, Bộ Chỉ huy quân sự…là thành viên.

Với thành phần nêu trên và với những ưu điểm vượt trội, mô hình Ban Chỉ đạo THADS đã phát huy hiệu quả ở nhiều địa phương, đã chỉ đạo giải quyết nhiều vụ việc lớn, phức tạp, kéo dài. Đơn cử, năm 2018, các Ban Chỉ đạo THADS tỉnh Hưng Yên đã cho ý kiến đối với 58/58 việc, số việc đã giải quyết xong là 09 việc; các Ban Chỉ đạo THADS tỉnh An Giang đã cho ý kiến đối với 60/60 việc, số việc đã giải quyết xong là 44 việc; các Ban Chỉ đạo THADS tỉnh Hậu Giang đã cho ý kiến đối với 30/30 việc, số việc đã giải quyết xong là 19 việc....

Còn ở Bình Phước, Cục THADS cho biết, Ban Chỉ đạo THADS tỉnh và các huyện, thị xã trong tỉnh đều đã được thành lập, thường xuyên kiện toàn phù hợp, xây dựng Quy chế hoạt động và hoạt động theo đúng quy định.

Thời gian qua, vai trò của Ban Chỉ đạo THADS tại địa phương ngày càng được tăng cường, hoạt động hiệu quả, đặc biệt trong việc tích cực tham mưu cho Chủ tịch UBND cùng cấp trong việc thực hiện trách nhiệm của UBND trong công tác THADS, trong việc giải quyết các vụ án khó.

Tại Trà Vinh, đến nay Ban Chỉ đạo THADS ở hai cấp về cơ bản đã được kiện toàn. Các Ban Chỉ đạo đều đã ban hành quy chế và hoạt động mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Trong sáu tháng đầu năm 2019, rất nhiều vụ việc khó khăn, phức tạp từ cấp tỉnh đến cấp huyện đều được Ban chỉ đạo quan tâm cho ý kiến chỉ đạo, giải quyết kịp thời.

Ở Vĩnh Phúc, Ban Chỉ đạo THADS hai cấp trên địa bàn tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan THADS giải quyết dứt điểm nhiều vụ, việc THADS bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Năm 2018, Vĩnh Phúc đã thi hành xong hơn 7.200 việc với hơn 160 tỷ đồng có điều kiện thi hành, đạt hơn 88% về việc và 35% về tiền, vượt 16% về việc và 2,5% về tiền so với kế hoạch được giao. 

Hay tại Quảng Nam, đến nay 18/18 Chi cục THADS đã thành lập Ban Chỉ đạo THADS, qua đó đã tranh thủ được sự ủng hộ của chính quyền địa phương cũng như phát huy được vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành hữu quan đối với công tác tổ chức THADS, nhiều vụ việc khó khăn, phức tạp đã được Ban Chỉ đạo THADS các cấp quan tâm sâu sát, chỉ đạo quyết liệt, kể cả công tác thi hành án hành chính.

Nhiều địa phương Cục THADS tham mưu cho Ban Chỉ đạo cấp tỉnh kiểm tra, đôn đốc Ban Chỉ đạo cấp huyện, qua đó kịp thời tìm giải pháp tháo gỡ, rút kinh nghiệm đối với những vấn đề còn tồn tại, khó khăn.

Theo đánh giá của Tổng cục THADS, Ban Chỉ đạo THADS các cấp thường xuyên được rà soát, kiện toàn, hoạt động có hiệu quả, nhất là trong chỉ đạo công tác phối hợp thi hành án, tổ chức cưỡng chế thi hành án.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Ban Chỉ đạo THADS một số địa phương hoạt động chưa hiệu quả, chưa thường xuyên, các thành viên Ban Chỉ đạo chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình, kinh phí cho hoạt động của Ban Chỉ đạo còn hạn chế...

Nhìn nhận đúng những tồn tại này để có giải pháp khắc phục sẽ phát huy nhiều hơn vai trò của Ban Chỉ đạo các cấp trong hoạt động THADS. Bên cạnh đó, bản thân các cơ quan THADS cần chủ động trong công tác tham mưu cho lãnh đạo UBND, chủ động kết nối các thành viên trong hoạt động thường xuyên cũng như giải quyết các vụ việc khó khăn, phức tạp.

Đọc thêm