Bộ Tư pháp: Tài sản bất minh nên đưa ra tòa

(PLO) - Trước đề xuất đánh thuế 45% với tài sản “bất minh” của quan chức đang gây tranh cãi, nhiều ý kiến không đồng tình vì cho rằng như vậy không khác gì mở đường cho “rửa tiền”. Đối với vấn đề này, Bộ trưởng Lê Thành Long đã thể hiện rất rõ quan điểm của Bộ Tư pháp.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Lo ngại “mở đường” cho rửa tiền

Thời gian qua, dư luận xôn xao về những khối tài sản lớn của quan chức và nghi ngờ nó có nguồn gốc từ tham nhũng. Tuy nhiên, để chứng minh nguồn gốc khối tài sản này là không dễ dàng, bởi các quy định hiện hành chưa tạo khả năng kiểm soát tốt hành vi không trung thực trong kê khai tài sản của cán bộ công chức. Bởi một trong những hạn chế lớn nhất của Luật Phòng chống tham nhũng hiện nay chính là chúng ta chưa có công cụ đủ mạnh để kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức.

Theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 cuối năm 2017 vừa qua, việc thu hồi tài sản tham nhũng vô cùng khó khăn, do đối tượng tham nhũng đã chi tiêu, tẩu tán tài sản, biến hóa tài sản tham nhũng thành các tài sản thuộc sở hữu của người thân, quen. Trong khi đó, pháp luật chưa có cơ chế thu hồi khả thi. Hiện con đường duy nhất để thu hồi tài sản tham nhũng là thông qua bản án hình sự, sau khi đã chứng minh được hành vi tham nhũng và tài sản của người bị kết án được xác định là có nguồn gốc từ hành vi đó. Tuy nhiên, tài sản này cũng chỉ thu được một phần và nhất là chưa kể đến khối tài sản chưa được phát hiện.

Vì vậy, mới đây, Thanh tra Chính phủ đã đề xuất quy định mới trong Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tăng thêm mà không giải trình một cách hợp lý. Theo đó, qua xác minh, nếu cơ quan chức năng kết luận tài sản, thu nhập thực tế của cán bộ, công chức, viên chức lớn hơn tài sản, thu thập đã kê khai hoặc việc giải trình về tài sản, thu nhập tăng thêm không hợp lý thì cơ quan thuế sẽ xem xét truy thu thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 45%.

Trước đề xuất áp thuế 45%, Luật sư Trương Trọng Nghĩa không đồng tình bởi cho rằng “tài sản mà công chức không giải trình được về nguồn gốc thì không thể đánh thuế như bình thường, vì thuế thu nhập cá nhân chỉ đánh trên thu nhập hợp pháp”. “Làm như đề xuất của Thanh tra có thể mở đường cho những sai phạm về rửa tiền. Khi cán bộ, công chức giàu có bất thường và cố tình không khai báo, hay giải thích không hợp lý mà chỉ bị thu 45%, giữ lại 55% thì đây là điều khiến cho họ sẵn sàng vi phạm” – ông Nghĩa lo ngại. 

“Rửa tiền ngày nay không chỉ trong nước mà xuyên quốc gia”, ông Nghĩa cảnh báo và giả định, trong số 1.000 tài sản không giải thích được có 300 tài sản thực sự là bất hợp pháp, nhưng chưa đủ bằng chứng để truy cứu, thì 55% trong số đó sẽ trở thành hợp pháp. “Cá nhân tôi không luận giải được tính hợp pháp, hợp lý, hợp đạo đức của quy định này”, ông Nghĩa quả quyết.

Bộ Tư pháp: Tài sản “bất minh” nên đưa ra Tòa

Đề xuất này tiếp tục được tranh luận tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phân tích: “Về mặt pháp lý không thể coi tài sản không giải trình hợp lý về nguồn gốc là tài sản tham nhũng để tịch thu bằng biện pháp hình sự. Mặt khác, nếu coi đó là tài sản của Nhà nước để xác lập quyền sở hữu nhà nước theo thủ tục tố tụng dân sự, về giải quyết tranh chấp quyền sở hữu vừa không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự về các căn cứ xác lập quyền sở hữu, vừa khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ chứng minh của người thay mặt Nhà nước đứng ra khởi kiện… Nên chăng để làm được điều này có cơ chế quản lý thu nhập thật tốt, có cơ chế kiểm soát được thu nhập”.

Riêng về quan điểm của Bộ Tư pháp với xử lý tài sản tăng thêm không giải trình được của dự Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi trong phiên chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước đó, Bộ trưởng Lê Thành Long phải thừa nhận đây là dự án luật rất khó và còn ý kiến khác nhau. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp đã báo cáo thẩm định từ trước, quá trình soạn thảo cũng tham gia ý kiến cụ thể, thậm chí có ý kiến riêng của chuyên gia cung cấp cho Ủy ban Tư pháp.

“Hiện Chính phủ đã thống nhất trình Dự án Luật với quy định đánh thuế thu nhập cá nhân, mức thuế suất 45% đối với thu nhập, tài sản nguồn gốc bất minh, không giải trình được phần tăng thêm. Đây là quan điểm của Chính phủ, tôi với tư cách là thành viên Chính phủ thì tôi tuân thủ việc này. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận thì chúng tôi có ý kiến bổ sung”, Bộ trưởng Lê Thành Long nói.

Cụ thể, theo tinh thần của Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng, phần thu nhập, tài sản chứng minh được thì không sao, còn nếu không chứng minh được sẽ tịch thu hoặc xử lý hình sự, ví dụ như Trung Quốc là tịch thu và xử lý hình sự ngay. “Với Việt Nam, để thực hiện tinh thần trên ngay lập tức thì chưa được, không khả thi, nên quan điểm ngay từ đầu của Bộ Tư pháp là đối với tài sản không chứng minh được nguồn gốc, phải thực hiện trình tự tố tụng tư pháp dân sự, đưa ra tòa xem xét giống như đưa ra tòa các trường hợp chiếm hữu tài sản không có căn cứ”, Bộ trưởng Long chia sẻ quan điểm của Bộ Tư pháp.

Đọc thêm