Cần tập trung kiện toàn, củng cố bộ máy và đội ngũ thẩm phán

(PLO) - Hôm qua (14/1), phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác năm 2014 của ngành Tòa án, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Cần tập trung kiện toàn, củng cố bộ máy và đội ngũ thẩm phán cả về nghiệp vụ chuyên môn và phẩm chất đạo đức, nhất là đối với đội ngũ cán bộ, thẩm phán Tòa án nhân dân cấp huyện...”.
Cần tập trung kiện toàn, củng cố bộ máy và đội ngũ thẩm phán
Cùng dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Giải quyết gần 365 ngàn vụ án
Báo cáo của TANDTC cho thấy, năm 2013 toàn ngành TAND đã giải quyết gần 365 nghìn vụ án các loại. So với năm 2012, số vụ án đã thụ lý tăng gần 35 nghìn vụ, đã giải quyết tăng gần 32 nghìn vụ. Chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án tiếp tục được đảm bảo và nâng lên; tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán giảm hơn 0,12% so với cùng kỳ năm trước. 
Việc xét xử các vụ án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Năm 2013, không có trường hợp nào kết án oan người không có tội. Ngành Tòa án cũng đã khắc phục cơ bản tình trạng để các vụ án quá thời hạn được giải quyết, các trường hợp án tuyên không rõ ràng cũng giảm gần 40% so với cùng kỳ năm trước, góp phần đảm bảo và nâng cao chất lượng xét xử.
Tuy nhiên, TANDTC cũng thừa nhận tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán tuy có giảm nhưng chưa được như mong muốn, nhất là trong giải quyết các vụ án hành chính. Bên cạnh đó, do số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm phải giải quyết rất lớn nên số đơn chưa được giải quyết vẫn còn nhiều. Ở một số đơn vị Tòa án, nhất là vùng sâu, vùng xa, tình trạng thiếu cán bộ vẫn còn, trong đó chủ yếu do các địa phương này rất thiếu nguồn cán bộ để tuyển dụng.
Năm 2014, nhiều nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra cho ngành Tòa án, trong đó tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, đảm bảo các phán quyết của Tòa án phải đúng pháp luật, thực sự mang lại công lý cho xã hội, không để xảy ra việc kết án oan người không có tội hoặc bỏ lọt tội phạm; hạn chế đến mức thấp nhất các bản án tuyên không rõ ràng gây khó khăn cho công tác thi hành án…
Tăng cường tranh tụng tại phiên tòa
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận và biểu dương kết quả ngành Tòa án đã đạt được, đồng thời cũng lưu ý ngành các vấn đề lớn trong triển khai thi hành Hiến pháp (sửa đổi). Theo đó, để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp cũng như để Tòa án thể hiện được “vị thế” của mình thì phải làm rõ hơn nội hàm quyền tư pháp trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; việc đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật và phát triển án lệ… 
Việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội có liên quan trực tiếp tới nhiệm vụ của TAND các cấp; tập trung thực hiện các giải pháp có tính đột phá về tăng cường tranh tụng tại phiên tòa; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra kỷ luật công vụ và công tác giám đốc việc xét xử của Tòa án cấp trên đối với các Tòa án cấp dưới; thực hiện tốt công tác tổng kết kinh nghiệm xét xử, đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật… cũng là nhiệm vụ được Chủ tịch nước đặc biệt lưu ý.
Riêng trong công tác xây dựng cán bộ, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Ngoài việc tiếp tục thực hiện bổ sung đủ biên chế và số lượng thẩm phán được giao, cần tập trung kiện toàn, củng cố bộ máy và đội ngũ thẩm phán cả về nghiệp vụ chuyên môn và phẩm chất đạo đức, nhất là đối với đội ngũ cán bộ, thẩm phán TAND cấp huyện, tương lai là TAND sơ thẩm khu vực - nơi giải quyết phần lớn các loại vụ án theo thủ tục sơ thẩm”.
Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp, sắp tới Bộ Chính trị sẽ nghe báo cáo và cho ý kiến về kết quả 08 năm thực hiện Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp. Trên cơ sở đó, Chủ tịch nước yêu cầu Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo TANDTC rà soát các nội dung, nhiệm vụ thuộc trách nhiệm để xây dựng các chương trình, đề án, nhất là  các đề án chi tiết về tổ chức Tòa án 4 cấp theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính và các đề án khác liên quan, làm cơ sở cho việc xây dựng Luật Tổ chức TAND và các bộ luật, luật về tố tụng tư pháp.

Đọc thêm