Cần tập trung nâng cao năng lực của đội ngũ hòa giải viên

(PLO) - Đây là quan điểm được nhiều đại biểu nêu lên tại cuộc họp góp ý dự thảo Đề án nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên (HGV) ở cơ sở giai đoạn 2018 – 2022 diễn ra vào ngày 4/10 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu. 
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu phát biểu tại buổi họp
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu phát biểu tại buổi họp

Việc nâng cao năng lực cho đội ngũ HGV ở cơ sở để hoạt động chất lượng, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ trong giai đoạn mới là mục tiêu trọng tâm được nhiều đại biểu đồng tình trong suốt cuộc họp góp ý về dự thảo Đề án. Theo đó, đại diện lãnh đạo Vụ Phổ biến Giáo dục, pháp luật (PBGDPL) đã trình bày tóm tắt mục tiêu cụ thể của Đề án, thời gian thực hiện Đề án, nhận diện một cách đầy đủ, toàn diện và sâu sắc về công tác hòa giải, xác định nhiệm vụ của đội ngũ HGV, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp có tính đặc thù, phạm vi triển khai thực hiện Đề án… 

Liên quan đến năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ của các HGV, Luật sư Nguyễn Duy Lãm, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục, pháp luật (Bộ Tư pháp) nhận định cần phải hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho HGV cơ sở, đặc biệt phải chú trọng tập huấn, bồi dưỡng cho người giỏi, đào thải người yếu kém. 

Đồng tình với các ý kiến của các đại biểu về việc cần thiết xây dựng Đề án, tuy nhiên nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc tính khả thi của Đề án khi đặt ra mục tiêu các cơ sở đạt tỉ lệ hòa giải thành đạt là 100%, trong khi các địa phương yếu, kém vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc.  

Tại cuộc họp, rất nhiều ý kiến của các đại diện Sở Tư pháp địa phương đã đưa ra những đề xuất thẳng thắn, mạnh dạn nhằm nâng cao chất lượng của đội ngũ HGV. Ông Lữ Mai Thanh Tùng, Trưởng phòng PBGDPL, Sở Tư pháp Hà Nam đề xuất nên xây dựng mức chi phí riêng để hỗ trợ các HGV, thu hút các HGV có chuyên môn, nghiệp vụ và có kỹ năng về làm việc. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp Hà Nam cũng kiến nghị nên thành lập một đội ngũ các chuyên gia với vai trò hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn cho các HGV nếu gặp phải vướng mắc. 

Đồng tình với đề xuất này, Trưởng phòng PBGDPL, Sở Tư pháp Vĩnh Phúc Phan Thị Ngọc Bích cũng phản ánh tỉnh đã xây dựng được nghị quyết cho công tác hòa giải, đã xây dựng được mức chi phí cho các tổ hòa giải nhưng chưa có chi phí thù lao cho các HGV. Về tính khả thi của Đề án, ngoài các giải pháp đã nêu trong Đề án thì đại diện tỉnh Vĩnh Phúc cũng đề nghị nên nghiên cứu thêm giải pháp mang tính thu hút, hỗ trợ và có chính sách động viên để khuyến khích đội ngũ HGV tích cực tham gia hòa giải ở cơ sở.

Đại diện tỉnh Lạng Sơn thì thẳng thắn nhận định việc triển khai luật ở cơ sở hiện nay còn gặp phải nhiều vướng mắc, khó khăn nên kiến nghị Đề án nên đơn giản hóa, giảm bớt các thủ tục văn bản rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi để các HGV và người dân dễ dàng tổ chức hóa giải.

Ngoài ra, rất nhiều ý kiến cho rằng Bộ Tư pháp nên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, tập huấn cho các HGV mới, còn những HGV có năng lực, nghiệp vụ, chuyên môn cao thì có thể tự bổ sung kiến thức qua các tài liệu bồi dưỡng. Chính vì thế, việc xây dựng tài liệu tập huấn tiêu chuẩn mà bất cứ ai cũng có thể khai thác là một nhiệm vụ quan trọng, nhất là các lĩnh vực về nghiệp vụ hòa giải, kỹ năng hòa giải, các tình huống hòa giải điển hình… 

Cùng quan điểm với các đại diện tham dự cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nhất trí với tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực của HGV và thẳng thắn chỉ ra công tác hòa giải cơ sở vẫn còn kém hiệu quả, đặc biệt là do năng lực trình độ của đội ngũ HGV chưa đạt yêu cầu. Chính vì vậy, Đề án cần xây dựng các giải pháp để nâng cao năng lực đội ngũ HGV: bổ sung nhân lực giỏi, tập huấn hướng dẫn nâng cao, tạo diễn đàn để các HGV trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ, hỗ trợ kinh phí để thu hút người tài giỏi vào làm việc… 

Ngoài ra, Ban soạn thảo cần rà soát, xác định mục tiêu trọng tâm của Đề án, cân nhắc các chỉ tiêu thời hạn thực hiện để đảm bảo tính khả thi. Thứ trưởng đề nghị giữ nguyên thời gian thực hiện Đề án là 4 năm; thực hiện chỉ đạo điểm ở 8 tỉnh và lựa chọn số ít các xã, phường mang tính đại diện của địa phương đó. Về sản phẩm, các tập huấn viên phải có chương trình tài liệu riêng và phải số hóa, chỉ in cho những nơi có điều kiện kinh tế khó khăn. Đồng thời phải đẩy mạnh việc tổ chức các diễn đàn, hội nghị để nâng cao năng lực của các HGV; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; phân công rõ ràng trách nhiệm thực hiện Đề án của các bộ, ngành, cơ quan có liên quan… 

Đọc thêm