Đảm bảo hài hòa giữa xã hội hóa và quản lý nhà nước trong hoạt động bổ trợ tư pháp

(PLO) -Chiều qua (4/1), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã chủ trì Hội nghị triển khai công tác bổ trợ tư pháp (BTTP). Thứ trưởng Trần Tiến Dũng, nguyên Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, lãnh đạo một số đơn vị trong và ngoài Bộ cùng toàn thể cán bộ, công chức Cục BTTP tham dự.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trao Bằng khen cho tập thể Cục Bổ trợ tư pháp
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trao Bằng khen cho tập thể Cục Bổ trợ tư pháp

Tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động BTTP

Báo cáo kết quả công tác năm 2017, Phó Cục trưởng Cục BTTP Đặng Kim Hoa khẳng định, công tác BTTP đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả nổi bật. Công tác xây dựng thể chế đã bảo đảm chất lượng, tiến độ, đã tham mưu cho Bộ trình cấp có thẩm quyền ban hành 6 văn bản; công tác triển khai, tổ chức thực hiện các Đề án, văn bản đã ban hành tiếp tục được thực hiện bài bản và ngày càng sâu sát hơn đối với địa phương. Công tác quản lý nhà nước được tăng cường hiệu lực, công tác hướng dẫn nghiệp vụ cho địa phương đã có sự đổi mới.

Công tác thanh tra chuyên ngành, nhất là đối với lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp được tăng cường nhằm kịp thời chấn chỉnh, răn đe và phòng ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BTTP. Cục đã tăng cường nắm bắt thông tin hoạt động về BTTP qua các kênh phản ánh từ địa phương, các cá nhân, tổ chức hành nghề và từ báo chí, trên cơ sở đó phản ứng kịp thời, hiệu quả đối với vấn đề “nóng” trong lĩnh vực này. Các nghề tư pháp như luật sư, công chứng, đấu giá tài sản… tiếp tục được phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Tuy nhiên, công tác BTTP còn gặp một số khó khăn trong công tác phối hợp với một số bộ, ngành; pháp luật quy định về điều kiện cấp chứng chỉ trong lĩnh vực này còn chưa cụ thể. Cùng với chủ trương xã hội hóa hoạt động BTTP thì tình hình hoạt động của các tổ chức BTTP, nhất là luật sư còn xuất hiện các diễn biến phức tạp, gây khó khăn và tạo thêm áp lực cho công tác quản lý nhà nước của đơn vị.

Nhận định lĩnh vực BTTP thời gian qua đã có bước chuyển tương đối toàn diện, Bộ trưởng Lê Thành Long yêu cầu năm 2018 Cục cần triển khai thi hành hiệu quả trang thông tin điện tử về đấu giá, xử lý kịp thời các phát sinh trong quy hoạch văn phòng công chứng, phản ứng kịp thời các vấn đề “nóng” mà báo chí nêu, đồng thời xử lý nghiêm các sai phạm, các đối tượng có biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa.

Bộ trưởng đề nghị Cục cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tham mưu để phân định làm rõ và hài hòa giữa xã hội hóa và chức năng quản lý nhà nước trong hoạt động BTTP. Cùng với đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công tác truyền thông báo chí và chủ động phối hợp các đơn vị thuộc Bộ cũng như với các bộ, ngành liên quan để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Còn Thứ trưởng Trần Tiến Dũng khẳng định hoạt động BTTP đã có nhiều chuyển biến rõ nét về tư duy trong cách tiếp cận quản lý nhà nước, Thứ trưởng đề nghị cần tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp để làm tốt công tác quản lý nhà nước, đồng thời chú trọng hậu kiểm, thường xuyên thanh tra, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh các sai phạm.

Nhân dịp này, Hội nghị đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho tập thể Cục BTTP vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác năm 2017.

Chủ động phối hợp triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế

Trước đó, vào sáng qua (4/1), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã chủ trì Hội nghị triển khai công tác năm 2018 của Vụ Hợp tác quốc tế (HTQT). Đánh giá về kết quả công tác của đơn vị, Vụ trưởng Vụ HTQT Đặng Hoàng Oanh cho biết, năm 2017, Vụ đã hoàn thành 10 dự thảo văn bản, đề án trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt/ký ban hành hoặc trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền, phát hành gần 800 văn bản đầu ra và trao đổi hàng ngàn thư điện tử công việc với các đối tác trong và ngoài nước.

Công tác quản lý nhà nước trong HTQT về pháp luật đã đạt một số kết quả nổi bật như sơ kết 3 năm thi hành Nghị định 113/2014/NĐ-CP, kiểm tra liên ngành về công tác HTQT về pháp luật tại 13 bộ, ngành và các đơn vị thuộc Bộ. Hợp tác song phương trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp phát triển lên tầm cao mới với điểm nhấn là bước đột phá trong quan hệ hợp tác với các nước láng giềng Lào, Campuchia, Trung Quốc; đàm phán mới 18 văn kiện hợp tác; trao đổi, triển khai thực hiện hơn 30 thỏa thuận, chương trình hợp tác đã ký kết…

Bên cạnh đó, lãnh đạo Vụ cũng nhìn nhận một số khó khăn như từ năm 2011, Việt Nam được công nhận trở thành nước có thu nhập trung bình, các nhà tài trợ đang xem xét thay đổi chính sách ODA dành cho Việt Nam nên quan hệ HTQT đang chuyển dần sang hợp tác đối tác bình đẳng, cùng có lợi và cùng chia sẻ kinh phí giữa các quốc gia. Điều này cũng đặt ra những khó khăn đối với Bộ, ngành Tư pháp trong việc thu hút, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác để thực hiện nhiệm vụ của mình. Các điều kiện bảo đảm cho việc thực hiện nhiệm vụ HTQT còn hạn chế; nhận thức, hiểu biết về pháp luật của một số cơ quan, đơn vị và cá nhân trong HTQT về pháp luật chưa được như mong muốn.

Ghi nhận và biểu dương những kết quả mà Vụ đã đạt được trong năm vừa qua, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhận định trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng mà nguồn lực cho công tác HTQT của Bộ còn hạn chế, do vậy các hoạt động hợp tác cần tập trung vào đào tạo các kỹ năng, khả năng xử lý vấn đề mang tính chiều sâu, bền vững và phải đánh giá được kết quả đầu ra.

Thứ trưởng nhấn mạnh HTQT về pháp luật là lĩnh vực nhạy cảm, do vậy cần nêu cao tinh thần kỷ luật, kỷ cương, chủ động, sáng tạo, đoàn kết, hiệu quả đồng thời chú trọng công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường tự học, tự đào tạo, tự bồi dưỡng. Các hoạt động hợp tác cần bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, ngành Tư pháp, trong đó chú trọng nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật và tăng cường quản lý nhà nước trong HTQT về pháp luật, đảm bảo đúng định hướng của Đảng, Nhà nước.

Đọc thêm