Đánh giá dịch vụ công cho xong vì trót nhận tiền bồi dưỡng?

(PLO) - Kết quả khảo sát chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính năm 2015 (SIPAS 2015) vừa được Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Nội vụ và TƯ Hội Cựu chiến binh Việt Nam công bố sáng qua (26/4).
Đánh giá dịch vụ công cho xong vì trót nhận tiền bồi dưỡng?

Tuy nhiên, một số ý kiến bày tỏ băn khoăn về sự tương thích của SIPAS 2015 với thực tế khi “mức độ hài lòng cao mà người dân vẫn khiếu nại nhiều, vẫn đến khu tiếp dân nhiều” như ý kiến của ông Chế Viết Sơn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng.

Đánh giá vì… trót nhận tiền bồi dưỡng

SIPAS thực hiện đối với 6 thủ tục hành chính (TTHC), gồm: cấp Giấy chứng minh nhân dân, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy phép xây dựng nhà ở, Giấy đăng ký kết hôn, Giấy khai sinh và Chứng thực. Đối tượng tham gia khảo sát là người dân, tổ chức đã giải quyết TTHC và nhận kết quả đối với 6 TTHC trong khoảng thời gian từ tháng 1/2014 đến tháng 6/2015.

Đây là lần đầu tiên Bộ Nội vụ tiến hành đo lường, xác định chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Thừa - Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, đến nay đã có hơn 20 địa phương tự triển khai xác định chỉ số SIPAS  trước khi Bộ Nội vụ tiến hành, như Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Quảng Trị. “Đó là tín hiệu rất đáng mừng cho thấy các địa phương đã quan tâm đến việc làm hài lòng người dân” – Thứ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định.

Tuy đánh giá cao về việc thực hiện đánh giá chỉ số hài lòng của người dân nhưng bà Phan Thị Tố Hoa, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh băn khoăn vẫn băn khoăn về mức độ “sát thực tế, đáng tin cậy” của chỉ số. Thậm chí, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng còn chỉ ra, “một số người được khảo sát thiếu niềm tin vào bộ máy công quyền. Chưa hẳn ai cũng hào hứng với việc khảo sát, người ta còn cảm nhận rằng các anh đi khảo sát nhiều nhưng chẳng thấy tiếp thu, sai vẫn còn đó và không thấy sửa chữa”. 

Dẫn chứng cho nhận định “kết quả khảo sát thu được thiếu trung thực và chưa phản ánh đúng thực trạng”, ông Sơn chỉ rõ: người dân đã kết thúc dịch vụ hành chính từ lâu rồi mới đến phát phiếu, do đó họ sẽ không nhớ đã làm thủ tục với ai, tốt hay xấu? Đôi khi người ta đánh giá cho xong chuyện vì đã trót nhận phiếu và nhận tiền bồi dưỡng. Theo ông Sơn, tình trạng nể nang, thành tích cũng chi phối kết quả của phiếu khảo sát.

Đề xuất hạn chế thực hiện thủ tục hành chính trực tiếp

Từ những bất cập này, ông Sơn đề xuất cần có cơ quan độc lập trong quá trình khảo sát, vì người đứng đầu nếu qua khảo sát mà thấy đơn vị của mình không được dân hài lòng nhiều sẽ chỉ đạo điều chỉnh phương pháp phát phiếu và đối tượng khảo sát.

Trên cơ sở các kiến nghị của các địa phương, Phó Chủ tịch Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết sẽ đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hành chính nhà nước rà soát các văn bản pháp luật để đề xuất cắt giảm một số TTHC không cần thiết; đầu tư điện tử hóa việc kê khai các TTHC nhằm hạn chế việc người dân đến các cơ quan hành chính nhà nước. 

Đặc biệt, quán triệt việc thi tuyển kết hợp với tuyển chọn cán bộ công chức, chấn chỉnh và xử lý nghiêm cán bộ công chức có thái độ hách dịch, thờ ơ, cửa quyền gây khó dễ cho người dân.

3 dịch vụ của cơ quan tư pháp có chỉ số hài lòng cao

4 tiêu chí: sự hài lòng về tiếp cận dịch vụ; TTHC; sự phục vụ của công chức; kết quả giải quyết TTHC khảo sát  theo SIPAS 2015 đều cho kết quả khá cao. Theo đó, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dù có chỉ số hài lòng thấp nhất cũng chiếm 73,7% (số người được hỏi). 

Đáng chú ý, có 3 dịch vụ của cơ quan tư pháp có chỉ số hài lòng cao hơn cả, trong đó thủ tục cấp Giấy đăng ký kết hôn chiếm 89,9%, còn lại nhận được sự hài lòng về kết quả giải quyết là 86,2% đối với thủ tục chứng thực; 87,2% đối với thủ tục cấp giấy khai sinh; 78,1% đối với thủ tục cấp giấy phép xây dựng nhà ở; 83% đối với thủ tục cấp Giấy chứng minh nhân dân. 

Người dân ở Đà Nẵng có chỉ số hài lòng cao nhất, tiếp đến là Cà Mau, TP HCM, Quảng Ninh, Hà Nội và thấp nhất là các tỉnh Hưng Yên, Đắk Lắk, Tây Ninh, Hà Tĩnh, Lai Châu.

Đọc thêm