Dấu ấn qua những con số

(PLO) - Năm 2018, Bộ, ngành Tư pháp đã triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ; phản ứng kịp thời, hiệu quả đối với những vấn đề “nóng” và ngày càng tham gia sâu vào các vấn đề pháp lý đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương. 
Giao dịch tại Văn phòng Công chứng Hà Nội
Giao dịch tại Văn phòng Công chứng Hà Nội

Công tác cải cách hành chính, đổi mới lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính được chú trọng. Theo công bố của Bộ Nội vụ (tháng 5/2018), Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của Bộ Tư pháp tăng 2 bậc, xếp thứ 4/19 bộ, ngành được đánh giá. Bộ Tư pháp đã quyết liệt chỉ đạo việc rà soát, đề xuất cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh với tổng số 49/94 điều kiện kinh doanh dự kiến sẽ được cắt giảm, đạt tỷ lệ 52,13%.

Bộ Tư pháp xếp thứ 3/19 bộ, ngành về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử (ICT Index). Ngoài ra, chất lượng hồ sơ các dự án luật, pháp lệnh và chất lượng công tác thẩm định có nhiều cải thiện; nợ đọng văn bản quy định chi tiết giảm so với năm trước.

Công tác tổ chức bộ máy, biên chế của Ngành được tập trung thực hiện. Bộ Tư pháp đã thực hiện cắt giảm 182 biên chế so với năm 2017 (tương đương 1,76%) và giảm tổng số 502 biên chế so với năm 2015 (tương đương 5%), đạt chỉ tiêu đề ra. So với năm 2017, đội ngũ làm công tác tư pháp trong toàn Ngành giảm ở cấp tỉnh và cấp huyện, tăng nhẹ ở cấp xã.

Công tác thi hành án dân sự tiếp tục đạt kết quả cao: về việc, trong số có điều kiện thi hành, đã thi hành xong 571.708 việc, đạt tỉ lệ 80,30% (tăng 1,05% so với năm 2017); về tiền, trong số có điều kiện thi hành đã thi hành xong gần 35 ngàn tỷ, đạt tỷ lệ 38,35% (tăng 0,05% so với năm 2017). Trong năm, các cơ quan THADS đã thực hiện theo dõi 363 bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính.

Công tác quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật, hoà giải ở cơ sở có chuyển biến tích cực. Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2018 gắn với tổng kết 5 năm triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam đã được tổ chức rộng khắp trong cả nước với nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả. Trong năm, cả nước tiếp nhận 143.060 vụ việc hòa giải, trung bình tỷ lệ hòa giải thành đạt 80,79% (tăng 1,18% so với năm 2017, tăng 1,8% so với năm 2016). Cả nước đã có 6.548/10.678 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (đạt 61%). 

Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc đã dần được hình thành tại 33/63 tỉnh. Số lượng đăng ký hộ tịch đều tăng so với năm 2017, đặc biệt là số lượng đăng ký khai sinh lại tăng rất lớn với 1.413.987 trường hợp (tăng tới 78,7%). Năm 2018, Bộ Tư pháp đã tham mưu, trình Chủ tịch nước giải quyết 5.452 hồ sơ về quốc tịch; trả lời tra cứu quốc tịch Việt Nam của 1.875 trường hợp theo đề nghị của các cơ quan.

Đặc biệt, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các địa phương liên quan hướng dẫn việc lập hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam, hồ sơ đăng ký khai sinh, kết hôn cho người Lào di cư tự do và kết hôn không giá thú trong danh sách đã được phê duyệt hiện cư trú tại các tỉnh biên giới với Lào (Chủ tịch nước đã ký Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với 139 trường hợp). Tại các địa phương, đã cấp được 539.060 Phiếu Lý lịch tư pháp (tăng gần 19% so với năm 2017). Bộ Tư pháp đã cấp 5.042 Phiếu Lý lịch tư pháp (LLTP) của người nước ngoài đã từng cư trú tại Việt Nam và công dân Việt Nam không có nơi thường trú, tạm trú (tăng hơn 5 lần so với năm 2017); tra cứu, xác minh 114.341 trường hợp cho các Sở Tư pháp cấp Phiếu.

Các địa phương đã thực hiện chặt chẽ, thận trọng trong việc chuyển đổi Phòng Công chứng thành Văn phòng Công chứng. Thực hiện Đề án thành lập Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, trên cả nước đã có 52 Hội Công chứng viên của các tỉnh, thành phố được thành lập, đi vào hoạt động. Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, địa phương chuẩn bị tốt cho Đại hội thành lập Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam trong đầu năm 2019. 

Đọc thêm