Đề xuất cơ chế cộng tác viên trong theo dõi thi hành pháp luật

(PLO) - Chiều 18/12, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp Hội đồng thẩm định Đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình thi hành pháp luật (THPL). Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến chủ trì cuộc họp.
Toàn cảnh phiên họp
Toàn cảnh phiên họp

Khẳng định tầm quan trọng trong quản lý nhà nước và xã hội

Báo cáo với Hội đồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi THPL Hồ Quang Huy cho biết: Qua hơn 5 năm thi hành, Nghị định 59 là cơ sở pháp lý bảo đảm thực hiện công tác quản lý nhà nước về theo dõi THPL, góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác theo dõi tình hình THPL trong việc quản lý nhà nước và xã hội; khẳng định vị trí, vai trò của công tác này trong hoạt động của bộ máy nhà nước ở cả trung ương và địa phương, từng bước củng cố, kiện toàn các cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo dõi tình hình THPL.

Tuy nhiên, thực tế công tác xây dựng pháp luật thời gian qua đã đặt ra một số yêu cầu mới đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung Nghị định 59, trong đó có việc cần khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ quá trình thi hành Nghị định 59.

Cụ thể là thiếu các tiêu chí để đánh giá chính xác, khách quan tình hình THPL; chưa có điều khoản quy định về thẩm quyền kiểm tra và xác định các nội dung trong kiểm tra quản lý nhà nước về theo dõi tình hình THPL, chưa rõ về thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương trong việc xử lý kết quả theo dõi tình hình THPL; thời hạn báo cáo về công tác này không phù hợp với kỳ báo cáo; không có quy định cụ thể về nội dung chi, định mức chi và không giao cho cơ quan liên quan ban hành văn bản hướng dẫn.

Vì vậy, bên cạnh kế thừa các quy định còn phù hợp của Nghị định 59, Nghị định sửa đổi, bổ sung dự kiến bổ sung một số nội dung nhằm tạo khung pháp lý chặt chẽ, ổn định, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn của công tác quản lý nhà nước về theo dõi THPL và là công cụ hữu hiệu đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của pháp luật.

Theo đó, bổ sung quy định về các tiêu chí đánh giá tình hình THPL; về kiểm tra công tác quản lý nhà nước về theo dõi tình hình THPL; về trách nhiệm của Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương trong xử lý kết quả theo dõi tình hình THPL; về kinh phí dành cho công tác theo dõi tình hình THPL…

Khôi phục cơ chế cộng tác viên 

Các thành viên đều tán thành sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Nghị định 59 trong bối cảnh hiện nay, nhất là sau Nghị định đã có Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và đầu năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 242/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức THPL. Không những thế, một số ý kiến cho rằng nên mạnh dạn sửa đổi toàn diện Nghị định 59. 

Góp ý hoàn thiện Đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Tống Thị Thanh Nam đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến nội dung theo dõi.

Đồng tình phải sửa đổi quy định về kiểm tra nhưng theo bà Nam, cần gắn kết với vấn đề xử lý, nhất là biện pháp xử lý theo thẩm quyền, trách nhiệm xử lý các kết quả liên quan đến công tác theo dõi tình hình THPL. Đặc biệt, bà Nam băn khoăn về giá trị của báo cáo về công tác theo dõi tình hình THPL khi chưa tác động được trở lại đối với công tác xây dựng pháp luật.

Là một trong những địa phương được chọn thí điểm thực hiện Nghị định 59 thời gian đầu, bà Nam phản ánh là thực tiễn mới có kinh phí cho việc xây dựng báo cáo, còn kinh phí cho các hoạt động điều tra, khảo sát thu thập thông tin là không có.

Chia sẻ với phản ánh của bà Nam về kinh phí, bà Tống Thị Hậu (Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính) thừa nhận đây là khó khăn, vướng mắc chung của các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, bà Hậu thẳng thắn cho biết, trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết Trung ương về cải cách chính sách tiền lương thì việc sửa đổi vấn đề này phải có ý kiến của Bộ Tài chính.

Ngoài ra, bà Hậu cũng quan tâm đến các hình thức xử lý khi phát hiện vướng mắc qua theo dõi tình hình THPL như có thể quy định công bố kết quả theo dõi. Ghi nhận những tích cực đạt được trong theo dõi tình hình THPL theo chuyên đề, lĩnh vực trọng tâm, bà Hậu đề xuất tới đây những kế hoạch theo dõi này “nâng tầm” lên do Thủ tướng Chính phủ ban hành để tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương.

Đáng chú ý, bà Hậu dẫn chứng tính hiệu quả của cơ chế cộng tác viên trong công tác kiểm tra văn bản và nên chăng công tác theo dõi cũng cần khôi phục cơ chế này khi biên chế, ngân sách phải cắt giảm theo chủ trương chung.

Kết luận cuộc họp, Vụ trưởng Nguyễn Hồng Tuyến nhất trí cao với nhiều đề xuất thiết thực của các thành viên Hội đồng. Bàn thêm về giá trị pháp lý của báo cáo về công tác theo dõi tình hình THPL, ông Tuyến gợi ý có thể kiến nghị cơ quan ban hành quy định gây ra vướng mắc phải dừng lại việc thi hành các quy định ấy hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung, thậm chí ban hành quy định mới.

Bên cạnh đó, ông Tuyến đề nghị có thêm quy định nhằm chú trọng phát huy sự tham gia của các tổ chức, cá nhân (như Mặt trận Tổ quốc) vào công tác theo dõi tình hình THPL. 

Đọc thêm