Giải quyết vướng mắc các vụ việc được miễn, giảm THADS

(PLVN) - Các quy định về xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự (THADS) hiện nay đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc, chưa đáp ứng được với thực tiễn dẫn đến còn nhiều vụ việc chưa có điều kiện thi hành, tồn đọng nhiều năm nhưng không đủ cơ sở để miễn, giảm hoặc cơ quan THADS không thể giải quyết dứt điểm dẫn đến số lượng vụ việc tồn đọng ngày càng tăng.
Hình minh họa
Hình minh họa

Quy định pháp luật về việc xét miễn, giảm trong THADS được thể hiện cụ thể tại các Điều 61, 62, 63, 64 Luật  THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 và Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/9/2015 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, TAND Tối cao, VKSND Tối cao hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ THADS đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước.

Cụ thể, theo điểm a khoản 1 Điều 61 Luật THADS, đối với trường hợp không xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án (THA) thì người phải THA phải đáp ứng các điều kiện về tài sản và thời gian thì mới được xét làm thủ tục miễn, giảm nghĩa vụ THA đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước.

Theo đó, người phải THA phải “không có tài sản hoặc có tài sản nhưng tài sản đó theo quy định của pháp luật không được xử lý để THA hoặc không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người phải THA và người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng”. Đồng thời phải đáp ứng điều kiện về thời  gian và số tiền phải THA theo quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2, 3, 4 Điều 61 thì mới được xét thủ tục miễn, giảm.

Tuy nhiên, với trường hợp chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải THA thì việc xem xét miễn, giảm còn có nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau và khó thực thi trong thực tiễn. Có quan điểm cho rằng nếu không xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải THA thì chỉ ra quyết định về việc chưa có điều kiện THA theo Điều 44a Luật THADS bởi không có cơ sở để xét miễn, giảm nghĩa vụ THA theo Điều 61 Luật THADS do không xác định được nhân thân, tài sản của người phải THA. Có quan điểm khác lại cho rằng nếu không xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải THA thì chỉ xét miễn, giảm nghĩa vụ THA khi xác định người phải THA không có tài sản để thi hành.

Một vướng mắc khác mà các cơ quan THADS gặp phải là quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 của Thông tư liên tịch số 12, đối với khoản án phí, lệ phí, khoản tiền phạt, sung công trong các bản án hình sự thì cơ quan THADS phải xác minh điều kiện THA của người phải THA để làm căn cứ xét miễn, giảm.

Tuy nhiên, có nhiều vụ việc đương sự đang chấp hành phần hình phạt tù với thời hạn rất dài (có thể 10, 15, 20 năm, thậm chí có bản án tuyên hình phạt tù chung thân hoặc tử hình) hoặc đương sự đã đi khỏi nơi cư trú, không xác định được địa chỉ nên việc xác minh không đạt kết quả, không đáp ứng được điều kiện này.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch số 12, để được xét miễn, giảm đối với khoản tiền phải thu, nộp ngân sách thì người phải THA phải nộp ít nhất 1/50 khoản tiền phải thi hành.

Tuy nhiên, hầu hết những người phải THA không đáp ứng được điều kiện này. Hiện nay cũng chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, điều kiện miễn, giảm đối với người phải THA là tổ chức, doanh nghiệp không còn hoạt động nhưng chưa bị tuyên bố phá sản theo quy định của Luật Phá sản.

Trên thực tế, các việc đang được phân loại “chưa có điều kiện THA” hiện nay chính là các vụ việc “không có điều kiện THA” hoặc trong số án chưa có điều kiện thi hành thì có cả án không có điều kiện thi hành. Hơn nữa, thực tiễn cho thấy các vụ việc thu, nộp ngân sách nhà nước chưa có điều kiện THA chỉ là một phần trong số các loại việc THADS chưa có điều kiện thi hành nói chung và việc THA chưa có điều kiện thi hành, đã tồn đọng nhiều năm nói riêng.

Để giải quyết những vướng mắc nêu trên cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật THADS và các văn bản hướng dẫn theo hướng xem xét bỏ quy định phải thi hành được ít nhất bằng 1/50 khoản thu, nộp ngân sách nhà nước là điều kiện để xét miễn, giảm THA.

Đồng thời cần bổ sung trường hợp không xác định được địa chỉ, tài sản của người bị kết án thì vẫn có thể được xét miễn, giảm THA. Bên cạnh đó, đề nghị cần thu hẹp các trường hợp “đã thi hành được một phần” nghĩa vụ THA là căn cứ để thực hiện việc xét miễn, giảm và bổ sung quy định xét miễn, giảm đối với các doanh nghiệp không còn hoạt động, không có tài sản.

Song song với đó, Tổng cục THADS cần theo dõi thường xuyên, kịp thời đối với các cơ quan THADS địa phương về tình hình rà soát, báo cáo về một số nội dung liên quan đến việc thực hiện quy định miễn, giảm nghĩa vụ THA theo hướng phân biệt rõ theo từng tiêu chí. 

Đọc thêm