Hà Nội tổng kết 5 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở: Đề nghị bỏ quy định “phải có hòa giải viên là nữ”

(PLVN) - Chiều 22/4, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở. 
Hình minh họa
Hình minh họa

Thông tin tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội, bà Hồ Xuân Hương cho biết, Luật Hòa giải ở cơ sở là cơ sở pháp lý quan trọng để nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở, giải quyết những mâu thuẫn tranh chấp nhỏ trong đời sống của nhân dân, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội, hạn chế tình trạng đơn thư khiếu nại cũng như hạn chế được nhiều tranh chấp phát sinh thành điểm nóng, phức tạp, góp phần tăng cường được khối đại đoàn kết toàn dân. 

Hiện Hà Nội có 5.444 tổ hòa giải với 35.053 hòa giải viên, trong đó số hòa giải viên có trình độ chuyên môn Luật là 3.117 người (chiếm khoảng 8%). Số tổ hòa giải và số lượng hòa giải viên từ 2014 - 2018 đều ổn định.

Theo bà Hương, trong 5 năm thi hành Luật (2014 – 2018), tỉ lệ hòa giải thành trên địa bàn TP qua các năm tăng dần, tỉ lệ hòa giải thành trong 5 năm đạt 82%; đặc biệt năm 2018 tỉ lệ hòa giải tăng cao 86,3%.

Số vụ việc phát sinh hòa giải hàng năm giảm, trong năm 2018 phát sinh 6.642 vụ, giảm hơn 3.000 vụ so với năm 2014. Công tác hòa giải đã đi vào nền nếp, bài bản, quá trình thực hiện công tác hòa giải đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, các tổ chức thành viên của MTTQ và nhân dân; nhiều mô hình hay trong công tác hòa giải ở cơ sở đã được thực hiện.

Tuy nhiên, Sở Tư pháp cũng nhận định, công tác hòa giải ở cơ sở còn một số tồn tại, hạn chế. Như công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền địa phương với công tác hòa giải có lúc có nơi còn chưa được thường xuyên.

Nhiều địa phương chưa khuyến khích, huy động được các luật sư, luật gia, những người có kiến thức pháp luật đã nghỉ hưu, đủ tiêu chuẩn tham gia làm hòa giải viên. Một số hòa giải viên tuổi cao, sức yếu, còn hạn chế về nghiệp vụ; tài liệu pháp luật cung cấp cho hòa giải viên còn hạn hẹp. Việc hòa giải ở nhiều nơi cũng còn mang tính hình thức…

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nói trên được xác định là do một số quy định của luật còn chung chung, như quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, các bên tham gia hòa giải khi nhận được yêu cầu cung cấp thông tin, hồ sơ liên quan đến vụ việc hòa giải.

Luật cũng chưa quy định về giá trị pháp lý của kết quả hòa giải nên có những trường hợp sau khi hòa giải, các bên không thực hiện những nội dung đã cam kết, dẫn đến việc giải quyết các khiếu kiện của chính quyền gặp khó khăn.  

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Hà Nội đề nghị Quốc hội, Chính phủ bỏ quy định “có hòa giải viên là nữ” trong quy định ở khoản 1, Điều 12 của Luật Hòa giải về thành viên tổ hòa giải ở cơ sở, bởi việc quy định như vậy sẽ gây khó khăn trong công tác kiện toàn tổ hòa giải ở cơ sở.

Tại Hà Nội, có những địa phương mời được người tham gia tổ hòa giải đã khó, mà bắt buộc trong tổ phải có hòa giải nữ sẽ rất khó khăn, không linh hoạt. Hà Nội cũng đề nghị nghiên cứu sửa đổi quy định về phạm vi hòa giải ở cơ sở theo hướng không quy định về việc hòa giải đối với hành vi vi phạm pháp luật hình sự và hành vi vi phạm hành chính…

Tại Hội nghị, Hà Nội cũng phát động cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” năm 2019 nhằm tạo sân chơi bổ ích cho các hòa giải viên trên địa bàn TP; nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên; biểu dương và tôn vinh những điển hình xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn TP, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở… 

Đọc thêm