Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: Hạn chế tình trạng đi 'cửa sau'

(PLO) - Hôm qua (14/9), trong khuôn khổ hợp tác với Dự án JICA, Bộ Tư pháp đã tổ chức tọa đàm đánh giá thực trạng, nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (DN) tại các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức đại diện cho DN. Đây là một hoạt động nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về công tác hỗ trợ pháp lý cho DN và chuẩn bị cho việc triển khai chế định hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa tại Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa năm 2017.
Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: Hạn chế tình trạng đi 'cửa sau'

“Đồng hành hay đừng hành” doanh nghiệp

Phát biểu tại tọa đàm, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế Nguyễn Thanh Tú cho biết, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó có Nghị quyết số 35/NQ-CP đều xác định phải hỗ trợ pháp lý cho DN. Đặc biệt, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua ngày 12/6/2017 vừa qua đã chính thức quy định về chế định hỗ trợ pháp lý cho DN. Mặc dù Luật nêu 7 nhóm hỗ trợ chung và 3 nhóm hỗ trợ trọng tâm song theo ông Tú, cần dùng hỗ trợ pháp lý để tác động tổng thể đến các nhóm hỗ trợ này bởi năng lực cạnh tranh của Việt Nam hiện đứng thứ 60/138 quốc gia, còn chỉ số thể chế chỉ xếp thứ 82/138.

“Rõ ràng là Nhà nước ta đã có nhiều nỗ lực hoàn thiện thể chế nhưng vẫn còn nhiều điểm yếu. Theo đó dẫn đến tình trạng DN gặp nhiều khó khăn mà một trong 4 khó khăn hàng đầu là thực hiện thủ tục hành chính, pháp lý” – ông Tú thông tin và nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay, DN sẽ còn vất vả hơn nữa khi tìm hiểu thâm nhập thị trường quốc tế với “ma trận” các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Vì vậy, để góp phần hỗ trợ pháp lý DN, từ năm 2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP và đến năm 2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho DN (Chương trình 585).

Qua nhiều năm thực hiện, ông Tú chia sẻ một tín hiệu đáng mừng là tỷ lệ DN đã sử dụng dịch vụ pháp lý thì việc tiếp tục sử dụng có xu hướng gia tăng (khảo sát là tăng từ 20% vào thời gian đầu lên 60% ở thời điểm hiện tại). Tuy nhiên, với chế định hỗ trợ pháp lý tại Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, ông Tú quan niệm vấn đề quan trọng là hỗ trợ như thế nào để DN không băn khoăn rằng đó là “đồng hành hay đừng hành DN”. Trên cơ sở đó, ông Tú kiến nghị tăng cường hỗ trợ pháp lý qua kênh tư nhân, cơ quan nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng sao cho hỗ trợ đúng và trúng nhu cầu của DN. Ngoài ra, phải chuyển từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ gián tiếp, không làm thay tổ chức hành nghề luật sư và nhất là hỗ trợ có trọng tâm (hỗ trợ DN khởi nghiệp sáng tạo).

Phải đáp ứng đúng nhu cầu hỗ trợ của DN

Từng nhiều năm giữ cương vị Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, nay lại làm Giám đốc Trung tâm Thông tin, tư vấn pháp luật và bồi dưỡng nghiệp vụ thuộc Câu lạc bộ Pháp chế DN, ông Dương Đăng Huệ chỉ ra hàng loạt bất cập của công tác hỗ trợ pháp lý cho DN thời gian qua.

Cụ thể, việc hỗ trợ pháp lý còn chắp vá, rời rạc, thiếu tính hệ thống; hoạt động hỗ trợ mang tính bị động, chỉ khi DN yêu cầu mới hỗ trợ; có tình trạng trùng lặp trong hoạt động hỗ trợ pháp lý và chất lượng công tác hỗ trợ pháp lý chưa cao, một số sự kiện được tổ chức chiếu lệ. Để nâng cao hiệu quả công tác này, bên cạnh các giải pháp từ tăng cường nhận thức về vị trí của công tác hỗ trợ pháp lý đến xây dựng đội ngũ chuyên trách, phát huy vai trò của các tổ chức đại diện cho DN…, ông Huệ đề xuất khẩn trương nghiên cứu xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 66, hoàn thiện khung pháp lý về công tác hỗ trợ pháp lý cho DN.

Đến từ Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực Nguyễn Thị Thanh Bình khẳng định, nhu cầu hỗ trợ pháp lý của DN là rất lớn. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, công tác hỗ trợ pháp lý đã gặp phải một số hạn chế. Chỉ nói về phía các DN, vì thiếu quan tâm đến công tác pháp luật nên khi có những sự vụ pháp lý xảy ra, đa phần các DN lúng túng, tìm cách đi “cửa sau” rồi bị thua kiện. Xuất phát từ thực trạng trên, bà Bình đồng tình phải sửa đổi Nghị định 66 cũng như cần có hướng dẫn thực hiện Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Đồng thời, phải đổi mới các hình thức hỗ trợ pháp lý cho DN, trong đó có thúc đẩy việc hình thành mạng lưới tư vấn pháp luật cho DN tại các địa phương.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Phan Đức Hiếu đề nghị triển khai có hiệu quả Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, lựa chọn các giải pháp hỗ trợ thích hợp để đáp ứng đúng nhu cầu hỗ trợ của DN nhỏ và vừa. Đối với Bộ Tư pháp, theo ông Hiếu, cần phối hợp với các bộ, ngành tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ làm công tác pháp chế, chủ DN bằng nhiều hình thức (các lớp ngắn hạn, hội thảo, diễn đàn, tọa đàm…) nhằm trao đổi kinh nghiệm, khuyến cáo các DN trong thực thi pháp luật và thu thập ý kiến góp ý hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh. 

Đọc thêm