Hòa giải, đối thoại để giảm áp lực cho ngành tòa án

(PLVN) - Để có cơ sở tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, ngày 12/4, TAND tối cao đã tổ chức Hội thảo quốc tế về dự án Luật này. 
Hòa giải, đối thoại để giảm áp lực cho ngành tòa án

PGS. TS Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao và TS. Nguyễn Thúy Hiền, Phó Chánh án TAND tối cao đồng chủ trì Hội thảo. 

Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Hòa Bình khẳng định thời gian qua, TAND tối cao đã tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo, đề ra nhiều giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng công tác hòa giải, đối thoại, đặc biệt Chánh án TAND tối cao đã ban hành Chỉ thị số 04/2017/CT-CA ngày 3/10/2017 về việc tăng cường công tác hòa giải trong TAND. Tuy vậy, kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, đòi hỏi của người dân và xã hội.

Để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính, TAND tối cao đã triển khai nghiên cứu, xây dựng Đề án đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hành chính; và triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND 16, tỉnh thành phố. Kết quả thực hiện thí điểm đã thu được những thành công nhất định.


TAND tối cao xác định hòa giải, đối thoại đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước. Do vậy, đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại là giải pháp căn cơ, giúp giải quyết khối lượng công việc ngày càng nặng nề của Tòa án trong bối cảnh hàng năm các tranh chấp, khiếu kiện không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp.

Thực hiện Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc giao TAND tối cao chủ trì xây dựng dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, TAND tối cao đã cùng với Ban soạn thảo, Tổ biên tập tiến hành sơ kết kết quả thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố; khảo sát, lấy ý kiến đối với các nội dung của dự án luật và xây dựng các tài liệu của dự án Luật. Để tiếp tục hoàn thiện, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến đối với các nội dung của dự thảo Luật bảo đảm các quy định của dự thảo Luật khả thi, phù hợp, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đạt được mục tiêu đề ra. Trên cơ sở đó nghiên cứu, tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo trước khi TAND tối cao trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Tiếp đó, Ths. Chu Thành Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, TAND tối cao đã giới thiệu tóm tắt về dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Theo đó, Dự thảo Luật gồm 5 chương, 50 điều. Chương I gồm các quy định chung về phạm vi điều chỉnh; các nguyên tắc cơ bản của hòa giải, đối thoại; chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Chương II quy định về trung tâm Hòa giải, Đối thoại và Hòa giải viên, Đối thoại viên. Chương III quy định về trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại. Chương IV quy định về thực hiện kết quả hòa giải thành, đối thoại thành và Chương V là điều khoản thi hành.

Góp ý tại Hội thảo, PGS, TS. Nguyễn Tất Viễn, nguyên Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương nhận định việc ban hành Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án là phù hợp với xu hướng phát triển của nền tư pháp hiện đại trong Nhà nước pháp quyền, đáp ứng mong muốn của người dân, xã hội.

Theo ông, phạm vi áp dụng của Luật không chỉ đối với những trường hợp đã có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính theo thủ tục tố tụng dân sự, tố tụng hành chính mà cần áp dụng với cả những trường hợp tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhưng các bên không lựa chọn khởi kiện mà lựa chọn cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Kinh phí thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án nên để Nhà nước chi trả, tuy nhiên, về lâu dài, từng bước cần giảm dần sự hỗ trợ của Nhà nước trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án. 

Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng được nghe ông Gordon J. Low, nguyên Thẩm phán Tòa án cấp cao Hoa Kỳ giới thiệu kinh nghiệm của Mỹ về hòa giải. Đưa ra một số bình luận, ông Gordon J. Low cho rằng mặc dù chưa có luật nhưng Dự án thí điểm đã hoạt động rất hiệu quả và ông tin rằng bằng việc chuẩn hóa thủ tục tại tất cả các tòa án trên toàn quốc, công tác hòa giải tại Việt Nam chắc chắn sẽ được hoàn thiện, hiệu quả hơn và lợi ích hơn theo các quy định của Luật này.

Sau đó, Hội thảo đã tập trung trao đổi, thảo luận về một số vấn đề như hình thức tổ chức, hoạt động của Trung tâm Hòa giải, Đối thoại; về chức danh Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm Hòa giải, Đối thoại; điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên, đối thoại viên; sự tham gia của Thẩm phán tại phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại…

Đọc thêm