Khắc phục tình trạng lạm dụng giám định

(PLVN) - Theo đường lối, chủ trương của Đảng, lần sửa đổi tới đây của Luật Giám định tư pháp (GĐTP) được xác định là phải tập trung  vào tháo gỡ những khó khăn trong công tác GĐTP phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế. Thực hiện đường lối, chủ trương trên, Bộ Tư pháp đã nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều vấn đề cơ bản.
Theo đề xuất, trường hợp đã có chứng cứ, tài liệu xác định được hành vi, người phạm tội, phương thức, thủ đoạn… thì không tiến hành trưng cầu GĐTP. (Hình minh họa)
Theo đề xuất, trường hợp đã có chứng cứ, tài liệu xác định được hành vi, người phạm tội, phương thức, thủ đoạn… thì không tiến hành trưng cầu GĐTP. (Hình minh họa)

Chứng cứ rõ ràng thì không trưng cầu giám định

Cụ thể, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (đơn vị được Bộ giao chủ trì xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GĐTP) Đỗ Hoàng Yến cho biết: Để khắc phục tình trạng lạm dụng GĐTP để gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố và xét xử khi kết quả điều tra, chứng cứ đã rõ ràng, dự án Luật bổ sung một số quy định về căn cứ, cách thức trưng cầu giám định. 

Trong đó, về căn cứ, ngoài những trường hợp bắt buộc trưng cầu giám định theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, chỉ khi cần có đánh giá, kết luận của tổ chức, người GĐTP về chuyên môn đối với nội dung, vấn đề có liên quan trong vụ việc, vụ án để chứng minh hành vi phạm tội, người phạm tội, phương thức, thủ đoạn, phương tiện phạm tội, tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội thì cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có thẩm quyền mới ra quyết định trưng cầu giám định.

Trường hợp đã có chứng cứ, tài liệu xác định được hành vi phạm tội, người phạm tội, phương thức, thủ đoạn, phương tiện phạm tội, tính chất, mức độ hậu quả của hành vi phạm tội thì không tiến hành trưng cầu GĐTP (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 25).

Về cách thức, dự án Luật bổ sung quy định cách thức trưng cầu giám định đối với trường hợp vụ việc, vụ án có nhiều nội dung cần giám định hoặc nội dung phức tạp; trường hợp nội dung cần trưng cầu giám định liên quan đến nhiều lĩnh vực, thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức; trường hợp quyết định trưng cầu giám định có nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực, chuyên ngành giám định hoặc trách nhiệm của nhiều bộ, ngành hoặc cơ quan, tổ chức khác nhau.

Quy định này nhằm khắc phục việc các cơ quan tiến hành tố tụng lúng túng, khó khăn khi cần trưng cầu giám định đối với các vụ án tham nhũng có quy mô lớn liên quan đến chuyên môn của nhiều bộ, ngành khác nhau như thời gian qua.

Bên cạnh đó, để tạo cơ sở pháp lý thống nhất, bảo đảm chặt chẽ trong việc đánh giá, sử dụng kết luận GĐTP, dự án Luật bổ sung quy định về căn cứ, cách thức đánh giá, sử dụng kết luận GĐTP. Theo đó, người tiến hành tố tụng khi đánh giá, sử dụng kết luận GĐTP cần phải căn cứ vào: trình độ chuyên môn, khả năng nghiệp vụ của người giám định; phương pháp, quy trình thực hiện giám định; trang thiết bị, phương tiện sử dụng thực hiện giám định; các yếu tố bảo đảm sự độc lập, khách quan của việc thực hiện giám định. Quy định này nhằm khắc phục tình trạng khó khăn, thiếu cơ sở trong đánh giá, sử dụng kết luận GĐTP hiện nay.

Tránh “vướng” với pháp luật tố tụng

Tại cuộc họp Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung diễn ra mới đây dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Lê Thành Long, một số đại biểu đến từ Bộ Công an đã nêu nhiều góp ý về vấn đề trên. Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành pháp, tư pháp Vũ Huy Khánh băn khoăn về tính đồng bộ của quy định căn cứ, cách thức… trưng cầu giám định tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung với quy định liên quan tại Bộ luật Tố tụng Hình sự do phạm vi điều chỉnh những quy định này lại thuộc Bộ luật Tố tụng Hình sự. 

Còn ông Trần Minh Lệ (Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra) phân tích, Điều 25 Luật GĐTP hiện hành quy định về trình tự, thủ tục, cách thức trưng cầu giám định, liên quan đến nhiều lĩnh vực, không chỉ có tố tụng. Nếu bổ sung quy định về căn cứ trưng cầu vào ngay khoản 1 Điều 25 thì không hợp lý về vị trí và nội dung sẽ bị dài dòng khi đánh giá về phương thức, thủ đoạn, công cụ, phương tiện.

Ông Lệ đề nghị giữ nguyên Điều 25 và làm rõ nội dung quyết định trưng cầu gồm những gì, nếu có bổ sung thêm thì chỉ quy định ngắn gọn là nội dung trưng cầu liên quan đến việc chứng minh hành vi phạm tội, hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.

Ông Nguyễn Minh Châu (Cục Giám định nhà nước về công trình xây dựng, Bộ Xây dựng) lại nhất trí với việc bổ sung các căn cứ, đánh giá sử dụng kết quả kết luận giám định… Bên cạnh đó, ông Châu mong muốn bổ sung quyền, nghĩa vụ cho bên được trưng cầu như cơ chế để thu hút người làm giám định hoặc các chế tài xử phạt khi có hành vi vi phạm.

Bàn về vấn đề trên, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định phạm vi sửa đổi Luật GĐTP cần tập trung cao theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Còn trong quá trình xây dựng dự thảo Luật mà phát hiện thêm những vấn đề khác vướng mắc có thể sửa thì mới xem xét để sửa đổi.

Bộ trưởng cũng cho rằng cần cân nhắc thêm khi đặt ra việc sửa đổi các quy định về căn cứ, cách thức… trưng cầu giám định trong pháp luật tố tụng. Vì vậy, chỉ những quy định nào phục vụ trực tiếp cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng mà không trái với pháp luật tố tụng thì sẽ sửa đổi trong Luật GĐTP, kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp thiết của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Đọc thêm