Không đánh giá thành tích bằng số lượng văn bản được ban hành

(PLO) - Sau khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2015 được ban hành và có hiệu lực, công tác tổ chức thi hành Luật về cơ bản được tiến hành kịp thời, nghiêm túc từ Trung ương đến địa phương và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, thực tiễn đang phát sinh một số khó khăn, vướng mắc mà các bộ, ngành, địa phương rất mong muốn được tháo gỡ sớm.
Tập huấn công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tỉnh Bắc Ninh năm 2017.
Tập huấn công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tỉnh Bắc Ninh năm 2017.

Đã giảm ban hành văn bản địa phương

Về kết quả, ở Trung ương, tính từ ngày 1/7/2016 (thời điểm Luật năm 2015 có hiệu lực) – 30/6/2018, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC đã xây dựng và ban hành 1.932 VBQPPL. Trong đó, đáng chú ý là số lượng thông tư liên tịch giảm đáng kể. Từ khi Luật năm 2015 có hiệu lực đến ngày 30/6/2018 mới chỉ có 12 thông tư liên tịch được ban hành.

Còn tại địa phương, chính quyền địa phương đã xây dựng và ban hành tổng số 56.671 VBQPPL. Qua phân tích số liệu thống kê, số lượng VBQPPL do địa phương ban hành ngày càng giảm, đặc biệt là văn bản do cấp huyện và cấp xã ban hành.

Cụ thể, trong nửa cuối năm 2016, cấp huyện ban hành 4.171 VBQPPL, cấp xã 19.951; cả năm 2017, cấp huyện ban hành 3.069 VBQPPL, cấp xã 15.514 VBQPPL; nửa đầu năm 2018, số VBQPPL cấp huyện ban hành chỉ còn 769 và cấp xã còn 4.725. Điều này cho thấy Luật năm 2015 sau 2 năm ban hành đã thực sự phát huy tích cực và đạt được hiệu quả nhất định.

Khẳng định sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với công tác soạn thảo văn bản, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Lê Thị Kim Dung cho biết cụ thể là đã đưa ra nhiều giải pháp chỉ đạo quyết liệt nhằm đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và nâng cao chất lượng soạn thảo, ban hành văn bản.

Bà Dung đánh giá, Luật năm 2015 đã có những quy định tiến bộ, đổi mới về soạn thảo VBQPPL nói chung và việc lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh và lập đề nghị xây dựng nghị định nói riêng, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng, soạn thảo, ban hành văn bản và thực sự đã đi vào cuộc sống. Về cơ bản, các quy định của Luật phù hợp với thực tiễn thi hành công tác soạn thảo, ban hành văn bản trong thời gian qua.

Từ địa phương, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn Hoàng Thúy Duyên phản ánh: Thực hiện Luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, các VBQPPL của HĐND, UBND tỉnh được xây dựng, ban hành theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản đã xây dựng dự thảo văn bản, lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức có liên quan, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, đăng tải VBQPPL lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh; nghiêm túc tổ chức nghiên cứu tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo VBQPPL.

Chất lượng công tác xây dựng dự thảo VBQPPL được chú trọng và nâng cao. Việc gửi VBQPPL của tỉnh cho các cơ quan có thẩm quyền giám sát, kiểm tra, các cơ quan có liên quan và đăng Công báo tỉnh các VBQPPL sau khi ban hành được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Thiếu cụ thể thì chưa ban hành văn bản

Tuy nhiên, theo bà Dung, qua 2 năm thực hiện Luật năm 2015 đã xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn như, đối với việc lập đề nghị xây dựng nghị định, việc chỉ quy định nghị định của Chính phủ mới được quy định chính sách và việc xây dựng nghị định không được luật giao phải lập đề nghị xây dựng nghị định gây khó khăn trong việc sửa đổi, bổ sung các chính sách mà Thủ tướng Chính phủ quy định trước đây.

Hay việc quy định không còn hình thức thông tư liên tịch giữa bộ trưởng các bộ cũng gây nhiều khó khăn trong quản lý nhà nước đối với những nội dung liên quan đến chức năng của nhiều bộ, ngành… Được biết, Bộ Tư pháp đã lập đề nghị và Quốc hội đã đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2019 nên bà Dung tin tưởng các khó khăn, vướng trong quá trình thi hành Luật sẽ được khắc phục khi sửa Luật. 

Theo Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn Hoàng Thúy Duyên, hiện nay nhiều VBQPPL dưới luật do cơ quan Trung ương ban hành giao cho chính quyền địa phương, nhất là cấp tỉnh ban hành VBQPPL quy định cụ thể một số nội dung. Trong đó có trình tự, thủ tục, phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính, cần thiết ban hành thủ tục hành chính để thực hiện cho thống nhất. Có điều, do không được giao trong luật nên nếu ban hành sẽ vi phạm Luật năm 2015.

Với vướng mắc này, bà Duyên đề nghị chỉnh sửa theo hướng trong trường hợp nghị định, thông tư mà giao thì được quy định thủ tục hành chính hoặc HĐND, UBND cấp tỉnh ban hành chính sách, biện pháp đặc thù ở địa phương mà phát sinh thủ tục hành chính thì phải thực hiện đánh giá tác động và xin ý kiến cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính của Trung ương trước khi ban hành. Đồng thời, quy định thời hạn, trách nhiệm, nội dung cho ý kiến của cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính Trung ương.

Chia sẻ các vướng mắc, khó khăn trên của bộ, ngành, địa phương, Bộ Tư pháp cho rằng cần quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định của Luật năm 2015 và Nghị định 34 trong việc xây dựng, ban hành VBQPPL. Ngoài ra, theo Bộ Tư pháp, cần tiến hành một số giải pháp như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong quá trình xây dựng, thẩm định và thi hành VBQPPL; bảo đảm sự tham gia thực chất, hiệu quả của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong toàn bộ quá trình này…

Đặc biệt, phải tiếp tục đổi mới quy trình xây dựng và ban hành VBQPPL, khắc phục những “điểm nghẽn” làm giảm chất lượng dự án, dự thảo VBQPPL. VBQPPL xây dựng thiếu cụ thể thì chưa ban hành, không nên lấy số lượng VBQPPL được ban hành là thước đo hiệu quả và đánh giá thành tích trong quản lý nhà nước. 

Đọc thêm