Làm rõ nhiều nội dung liên quan đến nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp

(PLO) - Căn cứ Hướng dẫn 36 của Ban Tuyên giáo TƯ, Kế hoạch số 58 của Đảng ủy Khối các cơ quan TƯ và Kế hoạch số 90 của Đảng ủy Bộ Tư pháp, hôm qua (18/8), Đảng ủy Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị “Học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa XII” theo hình thức trực tuyến. 
Làm rõ nhiều nội dung liên quan đến nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp

Tham dự Hội nghị có Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu; Phó Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, các Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ, lãnh đạo cấp Vụ các đơn vị thuộc Bộ, Bí thư, Phó Bí thư các đảng bộ, chi bộ trực thuộc… Tại các điểm cầu, có 6 đơn vị tham gia trực tuyến là Cục Công tác phía Nam và 5 Trường Trung cấp Luật.

7 điều phải làm để thực hiện hiệu quả các Nghị quyết TƯ

Phát biểu khai mạc, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Tư pháp Nguyễn Kim Tinh cho biết: Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa XII đã thành công tốt đẹp. Sau Hội nghị, Ban Chấp hành TƯ Đảng đã ban hành 3 Nghị quyết. Đó là Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Xuất phát từ ý nghĩa quan trọng của Hội nghị, Phó Bí thư Nguyễn Kim Tinh đề nghị các đại biểu phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, đóng góp ý kiến, thảo luận sôi nổi để hoàn thành tốt chương trình.

Báo cáo viên Hội nghị - Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan TƯ Trần Hồng Hà đã quán triệt cụ thể từ tình hình và nguyên nhân, quan điểm chỉ đạo và mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đến việc tổ chức thực hiện của từng Nghị quyết, đồng thời chú trọng một số nội dung mà ông đánh giá là quan trọng. Ông Hà cho rằng, với phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, các hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp liên quan đến luật pháp, thể chế là rất nhiều. Vì vậy, các cán bộ, đảng viên cần nghiên cứu sâu sắc nội dung của các Nghị quyết TƯ 5 khóa XII, đặc biệt là các giải pháp để góp phần thực hiện thắng lợi các Nghị quyết này. Mong muốn Bộ, ngành Tư pháp sẽ triển khai hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương, ông Hà nhắc lại lời phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết TƯ 5 khóa XII: “Nhận thức phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn, phương pháp phải đúng, hành động phải quyết liệt, khen thưởng kỷ luật phải nghiêm minh. Đặc biệt là khâu tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền phải nghiêm túc”.

Nghiên cứu làm sâu sắc hơn nữa các giải pháp

Sau khi nghe báo cáo viên quán triệt các Nghị quyết, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu yêu cầu các đảng bộ, chi bộ trực thuộc Đảng bộ Bộ Tư pháp, các đảng viên tiếp tục nghiên cứu, học tập, quán triệt, đặc biệt là nghiên cứu các giải pháp để lồng ghép vào từng hoạt động của đảng bộ, chi bộ mình. Ngoài ra, cần xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết bởi trong đó có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp; nghiên cứu làm sâu sắc hơn nữa các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành Tư pháp. 

Trong nghiên cứu học tập về nội dung, Thứ trưởng lưu ý phải nhận diện đầy đủ, sâu sắc về kinh tế thị trường định hướng XHCN vì hiện nay đang có sự đồng nhất giữa hoàn thiện thể chế với hoàn thiện pháp luật. Theo Thứ trưởng, sự đồng nhất này đúng nhưng chưa đủ, chưa tính đến các chủ thể tham gia thị trường, các yếu tố thị trường, các loại thị trường (có thị trường dịch vụ pháp lý liên quan đến ngành Tư pháp), cơ chế vận hành nền kinh tế thị trường.

Quán triệt các nội dung liên quan trực tiếp đến hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã nêu hàng loạt đạo luật mà Bộ được giao chủ trì soạn thảo như Luật Lý lịch tư pháp, Luật sửa đổi các Luật hiện hành như Luật Luật sư, Luật Thi hành án dân sự, Luật Quốc tịch, Luật Hộ tịch, Luật Tương trợ tư pháp…

Cùng với đó là các nhiệm vụ như góp ý các đề nghị xây dựng chính sách; thẩm định; tổ chức thi hành pháp luật; tăng cường hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; xây dựng cơ chế bảo vệ quyền lợi của chủ thể tham gia thị trường; từng bước hình thành thị trường dịch vụ pháp lý; đào tạo nguồn nhân lực pháp lý… để hướng tới mục tiêu hoàn thiện thể chế gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Riêng về tổ chức thực hiện, theo Thứ trưởng phải quan tâm hàng đầu về công tác tổ chức cán bộ, nhất là Nghị định 96/2017/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành và có hiệu lực thi hành ngay từ ngày 16/8.

Đọc thêm