Liên tục đổi mới công tác phổ biến pháp luật cho thanh, thiếu niên

(PLO) - Tọa đàm các giải pháp, hình thức phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho thanh, thiếu niên (TTN) giai đoạn 2017 – 2020 do Bộ Tư pháp tổ chức hôm qua (14/12) cho thấy, trong bối cảnh nước ta vẫn đang là một nước có dân số trẻ thì việc tăng cường tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật với TTN có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cần được liên tục đổi mới cả nội dung lẫn phương pháp.
Liên tục đổi mới công tác phổ biến pháp luật cho thanh, thiếu niên

Phải xuất phát từ nhu cầu của TTN

Định hướng một số nội dung trao đổi, thảo luận, Vụ trưởng Vụ PBGDPL (Bộ Tư pháp) Đỗ Xuân Lân quan niệm, việc PBGDPL cho TTN phải xuất phát từ nhu cầu của các bạn trẻ. Để hiểu được mong muốn của TTN thì chúng ta cần nhận diện được những hành vi vi phạm pháp luật, hành vi “lệch chuẩn” phổ biến của TTN trên địa bàn, từ đó đề ra các giải pháp PBGDPL hiệu quả, trực tiếp tác động đến ý thức tuân thủ chấp hành pháp luật của TTN. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, cần xác định được đâu là giải pháp phải ưu tiên, đâu là “điểm nghẽn” phải khai thông để tập trung đầu tư hơn.

Đại diện cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về công tác PBGDPL, Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL Phan Hồng Nguyên thẳng thắn nêu lên một số tồn tại, hạn chế trong công tác PBGDPL cho TTN. Cụ thể là công tác PBGDPL cho TTN chưa đồng đều, toàn diện, chủ yếu mới hướng đến TTN học sinh, sinh viên trong trường học, TTN ở đô thị, thanh niên là công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước; tại một số địa phương, công tác này còn mang tính phong trào…

Để nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL cho TTN, theo ông Nguyên, sẽ tiếp tục truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của TTN; đưa nội dung, nhiệm vụ PBGDPL cho TTN vào chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp, chương trình, kế hoạch công tác của bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, sẽ đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL cho TTN phù hợp với từng nhóm đối tượng và địa bàn, chú trọng lồng ghép PBGDPL với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các phong trào, hoạt động của tổ chức đoàn thanh niên; đặc biệt là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các phương tiện thông tin đại chúng vào hoạt động PBGDPL, phát huy sức ảnh hưởng của các trang thông tin điện tử, website, mạng xã hội…

“Vẫn nói cái mình có, chưa phải cái thanh niên cần”

Các đại biểu tham dự tọa đàm đã sôi nổi thảo luận về những kết quả đạt được, đưa ra những tồn tại, hạn chế và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL cho TTN. Theo đó, các đại biểu nhất trí với định hướng của ông Lân rằng phải chú trọng tuyên truyền những kiến thức pháp luật mà thanh niên cần, và nhấn mạnh việc thay đổi cách thức tuyên truyền cho thanh niên trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Phó Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ) Doãn Đức Hảo cho biết, Luật Thanh niên 2005 đã quy định 8 nhóm quyền và nghĩa vụ cơ bản của thanh niên. Tuy nhiên, theo một kết quả nghiên cứu, nhận thức của thanh niên về Luật Thanh niên và các chính sách trong Luật rất thấp. “Có tới 67,4% thanh niên trả lời chưa biết gì về quyền lợi của mình được quy định trong Luật và 46,8% thanh niên được hỏi thừa nhận trình độ nhận thức pháp luật của mình còn hạn chế. Như vậy, khi quyền lợi hợp pháp của thanh niên theo quy định của Luật bị xâm phạm, thanh niên sẽ không biết, không tự bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mình” - ông Hảo thông tin. 

Trưởng phòng PBGDPL (Sở Tư pháp TP Hà Nội) Vũ Thị Thanh Tú cũng nhận định, ý thức tự nghiên cứu và tìm hiểu pháp luật của thanh niên chưa cao, chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của kiến thức pháp luật trong cuộc sống khiến cho việc tiếp cận để tuyên truyền, giáo dục pháp luật gặp nhiều khó khăn. Đồng tình với nhiều giải pháp của Vụ PBGDPL, bà Tú đề xuất cụ thể hơn về tăng cường PBGDPL cho TTN qua phương tiện thông tin đại chúng như xây dựng các chương trình truyền hình hay, hấp dẫn; sử dụng kênh báo chí, internet, hệ thống truyền thanh ở cơ sở để tuyên truyền sâu, đi vào tình huống ứng xử pháp luật; trang thông tin tuyên truyền pháp luật đưa nhiều tình huống pháp luật thiết thực liên quan đến TTN…

Đến từ Đoàn Khối các cơ quan Trung ương, Trưởng ban Thanh niên – Trường học Trần Ngọc Duy tán thành giải pháp ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để đổi mới căn bản nội dung, hình thức PBGDPL. Bên cạnh đó, ông Duy kiến nghị một giải pháp có ý nghĩa quan trọng trong điều kiện khó khăn về thời gian, kinh phí, nguồn lực hiện nay là lồng ghép công tác PBGDPL với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nhất là lồng ghép trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của cơ quan, đơn vị.

Đọc thêm