Minh bạch, kịp thời trong kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia

(PLVN) - Đó là một trong những yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tại cuộc họp Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử Ngành Tư pháp diễn ra ngày 22/3. Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cùng tham dự.

Vận hành hiệu quả hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu

Báo cáo tại cuộc họp, Lãnh đạo Cục CNTT cho biết, năm 2018, các hạng mục công việc đã hoàn thành tiếp tục tạo những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng cho sự phát triển, ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành. Cụ thể, trong lĩnh vực Hộ tịch, đến nay đã triển khai Hệ thống thông tin, đăng ký và quản lý hộ tịch cho 51/63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó 43 tỉnh/thành phố đã chính thức triển khai Hệ thống, 8 tỉnh còn lại sẽ đưa vào sử dụng trong thời gian tới. Tính đến ngày 5/3/2019, toàn Hệ thống đã ghi nhận 11.300 công chức tư pháp hộ tịch tại 7.404 UBND cấp xã, 478 Phòng Tư pháp cấp huyện và 43 Sở Tư pháp cấp tỉnh tham gia tác nghiệp hàng ngày trên Hệ thống.

Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc đã dần được hình thành tại 43/63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương với trên 5.305.251 dữ liệu đăng ký hộ tịch và hơn 10.000.000 công dân đã được thu thập, thiết lập thông tin. Cùng với đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc cấp Số định danh cá nhân cho người được đăng ký khai sinh.

Lãnh đạo Cục CNTT cũng cho biết, toàn bộ Cổng thông tin điện tử của 63/63 tỉnh/thành phố và 25/25 Bộ, ngành đã thực hiện xong việc trích xuất Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật. Cục đã tiến hành nâng cấp, xây dựng Phần mềm quản lý văn bản và điều hành của Bộ Tư pháp để thời gian tới đưa vào sử dụng chính thức; thực hiện kết nối Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành của Bộ Tư pháp với Trục liên thông văn bản quốc gia.

Cục đã phối hợp với Tổng cục THADS triển khai Phần mềm quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê THADS cho Tổng cục THADS và 63/63 Cục THADS địa phương (trong đó có toàn bộ 711 Chi cục THADS) với khoảng 920.000 hồ sơ thi hành án trên hệ thống. Đồng thời nghiên cứu, khảo sát, xây dựng giải pháp kỹ thuật đối với phần mềm Quản lý cán bộ THADS; Cơ sở dữ liệu người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành để xây dựng triển khai trong năm 2019. 

Các công tác khác như duy trì, phát triển hạ tầng kỹ thuật; đảm bảo an toàn an ninh thông tin; phát triển Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp… đều đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc triển khai và ứng dụng CNTT năm vừa qua còn một số tồn tại, hạn chế như: Hạ tầng kỹ thuật CNTT cần tiếp tục được quan tâm, đầu tư, nâng cấp; việc đầu tư cho công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin còn hạn chế; một số đơn vị thuộc Bộ chậm rà soát, triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến 3,4... 


Sau khi nghe báo cáo, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhận định Bộ, ngành Tư pháp cần đề ra các giải pháp để ứng dụng CNTT nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân thông qua các dịch vụ công trực tuyến. Cùng với đó cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo điều hành nội bộ và công tác phối hợp với các Bộ, ngành khác bằng cách cắt giảm các thủ tục hành chính, sử dụng chữ ký số, khắc phục tình trạng sử dụng văn bản giấy… Đồng thời cần nghiên cứu đầu tư về hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin mạng .

Kết nối kịp thời với Trục liên thông văn bản quốc gia

Đề cao vai trò của ứng dụng CNTT trong bối cảnh tinh giản biên chế mà lượng việc và tiền thụ lý mới ngày càng tăng, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Mai Lương Khôi khẳng định trong năm 2019, Hệ thống THADS sẽ tập trung nguồn lực để đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Theo đó, tiếp tục khai thác hiệu quả phần mềm Quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án, phần mềm Quản lý văn bản điều hành đồng thời tăng cường tập huấn, bồi dưỡng để sử dụng hiệu quả hơn nữa phần mềm Hỗ trợ thi hành án trực tuyến.

Còn theo đánh giá của Chánh Văn phòng Bộ Đỗ Đức Hiển, công tác cải cách hành chính của Bộ, ngành Tư pháp hiện chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Do vậy, cần tiếp tục chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ứng dụng CNTT và hiện đại hóa nền hành chính. Liên quan đến trục liên thông văn bản quốc gia, tới đây, cần nâng tỷ lệ văn bản điện tử, Thủ trưởng các đơn vị cần quan tâm đào tạo tập huấn sử dụng chính thức chữ ký số. Ngoài ra, cần nâng cấp phần mềm dịch vụ công trực tuyến trong cơ quan Bộ Tư pháp. 

Đánh giá cao kết quả phối hợp với Cục CNTT trong thời gian qua, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Nguyễn Công Khanh cho rằng thời gian tới cần phân cấp rõ trong sử dụng, khai thác và quản lý Hệ thống thông tin, đăng ký và quản lý hộ tịch. Từ đó, có thể tiến tới đăng ký hộ khẩu không phụ thuộc nơi cư trú; cấp trích lục trực tuyến; kết nối với Bảo hiểm xã hội để cấp thẻ cho trẻ em dưới 6 tuổi; kết nối với các cơ sở giáo dục để thủ tục nhập học nhanh gọn… Đối với lĩnh vực quốc tịch, ông Khanh đánh giá phần mềm quản lý đã và đang phát huy hiệu quả, mong sớm triển khai trên toàn quốc và cơ quan đại diện nước ngoài để tra cứu và quản lý tốt hơn nữa.

Với hệ thống thông tin được vận hành an toàn, phục vụ tương đối tốt cho việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, đặc biệt trong bối cảnh kinh phí hạn hẹp, nguồn lực hạn chế, Bộ trưởng Lê Thành Long ghi nhận và đánh giá cao kết quả của ứng dụng CNTT của Bộ, ngành thời gian qua, đặc biệt trong năm 2018.

Về định hướng trong thời gian tới, Bộ trưởng nhấn mạnh cần tập trung làm tốt hơn nữa công tác xây dựng đầu tư; khuyến khích một số địa phương có điều kiện thí điểm các dự án về ứng dụng CNTT; tăng cường hợp tác với các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực CNTT. Theo đó, phải thực hiện các giải pháp để đảm bảo đáp ứng yêu cầu đặt ra trong việc triển khai Trục liên thông văn bản quốc gia. Đối với các đơn vị thuộc Bộ, cần tận dụng các nguồn lực sẵn có, nâng cấp dịch vụ công trực tuyến, chủ trương họp trực tuyến, lấy kết quả ứng dụng CNTT làm một trong các tiêu chí đánh giá thi đua. Đặc biệt, cần mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng hoặc kết hợp phổ biến tại cuộc họp giao ban để các đơn vị thuộc Bộ, cơ quan THADS địa phương nắm rõ và triển khai hiệu quả phần mềm quản lý văn bản và điều hành.


 Bộ trưởng yêu cầu Cục CNTT cần tiếp tục tham mưu kịp thời, đầy đủ, khả thi những việc liên quan đến ứng dụng CNTT của Bộ, ngành, đảm bảo an toàn, thông suốt. Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực và Cục CNTT tiếp tục phối hợp triển khai hiệu quả Đề án Cơ sở dữ liệu hộ tịch toàn quốc; mở rộng phạm vi áp dụng Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch đối với các địa phương đủ điều kiện.

Bộ trưởng cũng lưu ý một số vấn đề khác như: đảm bảo sự hài hòa trong triển khai Dự án Hệ thống Hội nghị truyền hình, giao ban trực tuyến đến các Chi cục THADS trên toàn quốc; thống nhất chủ trương trong việc xây dựng phần mềm Quản lý thông tin đấu giá tài sản, phần mềm Quản lý tổ chức hành nghề công chứng; nâng cấp phần mềm thống kê ngành Tư pháp.. 

Đọc thêm