Mở rộng cơ hội trợ giúp pháp lý cho phụ nữ bị chồng bạo hành

(PLO) - Hiện nay, việc TGPL chỉ được áp dụng cho phụ nữ là một trong những nhóm sau: người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn không nơi nương tựa, người khuyết tật, nạn nhân bị buôn bán, người dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn. Quá trình sửa đổi Luật TGPL được cho là cơ hội để mở rộng hỗ trợ pháp lý miễn phí cho nạn nhân của bạo lực gia đình, bạo lực giới.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Cuối năm 2014, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành bảo vệ quyền lợi cho đối tượng được TGPL là chị Nguyễn Thị L, sinh năm 1974, trú tại TP Uông Bí. Ngày 25/9/2014, chị L có đến phòng trọ của chồng là Bùi Mạnh Cường (SN 1962) tại phường Quang Trung (lúc này 2 vợ chồng đang ly thân).

Do nghi ngờ vợ có quan hệ bất chính nên Cường đã có hành vi dùng dây điện trói tay chân, dùng áo buộc miệng và dùng dao cắt bộ phận sinh dục của chị L, làm chị bị tổn hại sức khỏe 18%. Sau khi nhận được đơn yêu cầu TGPL, Trung tâm đã tích cực làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng và liên quan, tiến hành cử luật sư bảo vệ quyền lợi cho chị L. Ngày 25/12/2014, TAND TP Uông Bí đưa vụ án ra xét xử, tuyên phạt bị cáo Bùi Mạnh Cường 36 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”…

Quy định pháp luật hiện hành đang mang lại nhiều cơ hội để giải quyết TGPL, đồng thời nâng cao khả năng tiếp cận pháp lý cho phụ nữ. Kể từ khi thành lập, Cục TGPL và các Trung tâm TGPL trên toàn quốc luôn xác định phụ nữ là đối tượng cần được quan tâm trong công tác TGPL, đặc biệt phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình và nạn nhân của tội buôn bán phụ nữ. Theo đó, ngoài tư vấn pháp luật tại trụ sở, tư vấn bằng văn bản hoặc qua điện thoại, các Trung tâm TGPL còn phối hợp với Hội Phụ nữ tổ chức TGPL lưu động cho chị em phụ nữ tại nơi cư trú.

Tuy nhiên, khung pháp luật về hỗ trợ pháp lý và tiếp cận pháp lý cho phụ nữ ở Việt Nam vẫn có những “lỗ hổng” cần phải được sửa đổi, hoàn thiện. Theo ông Trần Nguyên Tú (Cục TGPL), pháp luật chưa quy định phụ nữ nói chung được hưởng TGPL, chưa quy định mô hình TGPL cho phụ nữ cũng như chưa có trình tự, thủ tục riêng đối với phụ nữ là nạn nhân bạo lực giới, đặc biệt là cung cấp giấy tờ chứng minh. 

Còn trên thực tế, nhiều phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình vẫn chưa biết được về quyền được TGPL hoặc còn e ngại khi tiếp cận với TGPL. Những hoàn cảnh đáng thương như chị L không hề hiếm song không phải chị em nào cũng sẵn sàng lên tiếng bởi những suy nghĩ “trong nhà đóng cửa bảo nhau”, “đừng vạch áo cho người xem lưng”, “xấu chàng hổ ai” hay phụ nữ là phải cam chịu… đã ăn sâu vào trong tiềm thức của họ. Người thực hiện trợ giúp tại nhiều Trung tâm TGPL lại chưa được đào tạo bài bản về kỹ năng làm việc với nạn nhân bạo lực giới.

Số liệu điều tra gần đây của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng chỉ ra rằng, ở Việt Nam, cứ 3 phụ nữ thì có 1 người từng bị đánh, bị cưỡng bức về tình dục hay từng phải chịu các hình thức lạm dụng khác. Tỷ lệ phụ nữ chịu bạo lực tinh thần lên tới 53,6%, sau đó là bạo lực thể xác 31,5%. Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải tăng cường sự tiếp cận pháp lý của phụ nữ, đặc biệt là TGPL miễn phí cho phụ nữ, nhất là những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực giới. Trong bối cảnh này, việc sửa đổi Luật TGPL đang mang lại nhiều cơ hội để giải quyết những lỗ hổng trong khung luật pháp về TGPL, từ đó nâng cao khả năng tiếp cận pháp lý cho phụ nữ ở Việt Nam. 

TS Đào Lệ Thu (Đại học Luật Hà Nội) thì phân tích, trường hợp phụ nữ là nạn nhân của bạo lực giới không được hưởng hoặc hưởng không đáng kể thu nhập của gia đình, có thể dựa trên thu nhập của cá nhân họ để xác định diện hưởng TGPL. Các hoạt động TGPL cần phải được xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội trong lĩnh vực này, tập huấn, đào tạo trợ giúp viên pháp lý về nhạy cảm giới và trách nhiệm giới...

Đọc thêm