“Nâng” giá trị sử dụng của Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử

(PLVN) - Hôm qua (3/5), Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã có cuộc họp nghe Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực báo cáo về định hướng xây dựng dự thảo Nghị định về quản lý, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử (CSDLHTĐT).
Cán bộ hộ tịch Hà Nội hướng dẫn người dân làm thủ tục đăng ký trực tuyến
Cán bộ hộ tịch Hà Nội hướng dẫn người dân làm thủ tục đăng ký trực tuyến

Không được yêu cầu dân nộp khi làm thủ tục cần giấy tờ hộ tịch

Thực hiện nhiệm vụ được giao năm 2019, Bộ Tư pháp sẽ xây dựng và trình Nghị định quy định về quản lý, khai thác, sử dụng CSDLHTĐT, thủ tục đăng ký hộ tịch trực tuyến. Tuy nhiên, theo Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, một số nội dung có liên quan của Nghị định số 123/2015/NĐ-CP cũng cần sửa đổi, bổ sung, cần được thu hút, quy định trong dự thảo Nghị định này để bảo đảm tính phù hợp, khả thi. Chẳng hạn như các quy định liên quan đến giấy tờ nộp, xuất trình khi đăng ký hộ tịch, cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, trình tự, thủ tục đăng ký một số việc hộ tịch cụ thể; việc thay đổi hộ tịch, ghi chú thay đổi hộ tịch đối với trẻ em sau khi được nhận làm con nuôi…

Báo cáo cụ thể về định hướng xây dựng dự thảo Nghị định, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Trần Thị Lệ Hoa cho biết: Đối với việc xây dựng CSDLHTĐT, dự kiến sẽ quy định kết cấu của CSDLHTĐT, quy định việc phân cấp quản lý tài khoản, quyền cụ thể của các loại tài khoản quản trị ở Bộ Tư pháp, ở các Sở Tư pháp, quy định về nguồn dữ liệu cung cấp cho việc xây dựng CSDLHTĐT…

Về việc kết nối với các cơ sở dữ liệu khác, sẽ quy định quy trình kết nối, các trường dữ liệu giữa CSDLHT với các cơ sở khác, đặc biệt là với cấp số định danh cá nhân. Riêng việc kết nối, cấp số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh, sẽ thể chế hóa Quy chế tạm thời giữa Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp) và Cục Cảnh sát quản lý về trật tự hành chính (C06, Bộ Công an).

Còn việc kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác, sẽ chỉ quy định nguyên tắc, cách thức, phạm vi kết nối, chia sẻ cũng như giao cho Bộ Tư pháp chủ động trong việc hướng dẫn cách thức kết nối để bảo đảm sự linh hoạt. 

Ngoài mục đích chính là khai thác, sử dụng CSDLHTĐT để đăng ký hộ tịch thì việc khai thác, sử dụng vào mục đích khác cũng được quan tâm. Theo đó, sẽ quy định theo hướng các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu được khai thác thông tin từ CSDLHTĐT ở các mức độ khác nhau.

Ví dụ, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội có quyền yêu cầu cung cấp thông tin từ CSDLHTĐT để phục vụ yêu cầu quản lý hoặc giải quyết sự việc cụ thể (như xác định tình trạng hôn nhân, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự); tổ chức, cá nhân khác có quyền yêu cầu khai thác thông tin từ CSDLHTĐT để phục vụ mục đích công ích (kế hoạch đào tạo, tiêm chủng, cấp thẻ bảo hiểm y tế…), kinh doanh dịch vụ hoặc để kiểm tra, khẳng định tính xác thực của thông tin mà cá nhân đã cung cấp.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính trong trường hợp thủ tục hành chính cần có giấy tờ/thông tin hộ tịch thì có trách nhiệm kết nối, khai thác, sử dụng CSDLHTĐT (bằng hình thức phù hợp), không được yêu cầu người dân nộp giấy tờ hộ tịch (không được yêu cầu nộp Trích lục khai sinh, kết hôn, Trích lục cải chính, thay đổi hộ tịch…). Đồng thời, việc sử dụng CSDLHTĐT còn để thực hiện báo cáo thống kê định kỳ, đột xuất, thay thế việc điều tra dân số…

Phải có mức độ “mở” của CSDLHTĐT

Hiểu đơn giản thì xây dựng CSDLHTĐT là số hóa các dữ liệu hộ tịch. Vì vậy, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Nguyễn Chí Dũng nêu quan điểm, những địa phương có điều kiện số hóa thì tạo điều kiện cho họ thực hiện trước như Hà Nội, Long An hay TP HCM đang hình thành rồi tiến tới mới mở rộng dần phạm vi trong cả nước.

Về mục đích sử dụng, theo ông Dũng, phải quy định chi tiết số trường thông tin cung cấp cho các ngành như cho quản lý dân cư, bảo hiểm… phải khác nhau, không thể để “tự do” cho các cơ quan muốn khai thác trường thông tin nào cũng được. Về đăng ký hộ tịch trực tuyến, cần quan tâm giá trị pháp lý của văn bản điện tử khi làm trực tuyến, cần nêu rõ trực tuyến về đăng ký hay trực tuyến cả việc trả kết quả vì còn liên quan đến các biện pháp bảo đảm kỹ thuật. 

Đồng tình với ông Dũng về mục đích sử dụng, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Nguyễn Công Khanh cũng cho rằng, không nên quá “mở” CSDLHTĐT vì đây là dữ liệu ngành và nhiệm vụ chủ yếu của Cơ sở dữ liệu này là cung cấp thông tin cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tuy nhiên, ông Khanh đề nghị, đối với các cháu sinh từ ngày 1/1/2016 đến năm 2022 sẽ vào lớp 1 thì đã đăng ký khai sinh trong phần mềm hộ tịch của Bộ nên rất muốn có quy định nào đó để ngành Giáo dục không yêu cầu phụ huynh các cháu phải cung cấp Giấy khai sinh. “Nếu làm được như vậy thì sẽ gây tiếng vang lớn cho CSDLHTĐT” – ông Khanh khẳng định.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, việc xây dựng dự thảo Nghị định phải bảo đảm đúng Điều 59 của Luật Hộ tịch về kết nối, chia sẻ, cung cấp, trao đổi thông tin hai chiều giữa CSDLHTĐT với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, những ngành nào dự kiến được sử dụng thì phải tính toán nhưng Thứ trưởng nhất trí là các cơ quan chỉ vào lấy thông tin, không được làm việc khác.

Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu là dự thảo Nghị định chỉ quy định những nội dung cần thực hiện ngay hay quy định khung chung, trong đó có phần cụ thể để thực hiện đến thời điểm ngày 1/1/2020, nhất là đảm bảo tính xác thực của thông tin, tránh thông tin không chính xác lại trở thành hợp pháp… 

Đọc thêm