Ngày càng thiếu hụt cán bộ pháp chế địa phương

(PLO) - Trong khi ở TƯ, đội ngũ cán bộ pháp chế được kiện toàn, tăng cả về số và chất lượng thì ở địa phương lại có tình trạng ngược lại. Vậy đâu là nguyên nhân?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo báo cáo 6 tháng đầu năm của Bộ Tư pháp, hiện nay, số lượng cán bộ pháp chế chuyên trách ở các địa phương hiện có 593 người. Đặc biệt, các cơ quan ở TƯ đã quan tâm bổ sung, kiện toàn cán bộ pháp chế chuyên trách (các bộ, ngành hiện có 1.455 người làm công tác pháp chế chuyên trách, tăng 125 người so với cùng kỳ 2017). Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cũng nhìn nhận, thời gian qua đội ngũ làm công tác pháp chế chuyên trách ở địa phương giảm mạnh (giảm 116 người, tương đương giảm 16,4%, so với cùng kỳ 2017). 

Đặc biệt thời gian qua, thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW (ngày 17/4/2015) của Bộ Chính trị về “tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”, nhiều địa phương đã giải thể các Phòng Pháp chế.

Đơn cử tại Vĩnh Phúc, sau khi có Đề án 01-ĐA/TU (ngày 30/11/2016) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2021, các Phòng Pháp chế tại 17 sở, ban, ngành (với trên 30 cán bộ), được thành lập theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của tổ chức pháp chế và quyết định của UBND tỉnh đã bị giải thể.

Hay tại Cà Mau, tại Sở Thông tin và Truyền thông, sau khi thành lập Phòng Pháp chế với 2 nhân sự theo Nghị định 55/2011/NĐ-CP thì Phòng này bị giải thể và toàn bộ công việc, nhân sự chuyển về Văn phòng Sở. Tại Lạng Sơn, cũng đã giải thể tất cả các phòng pháp chế thuộc 18 sở, ban, ngành và chuyển chức năng, nhiệm vụ pháp chế về văn phòng hoặc thanh tra sở…

Cùng với việc giải thể Phòng Pháp chế, số lượng cán bộ pháp chế chuyên trách ở sở, ngành cũng sụt giảm, đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm cũng thường xuyên thay đổi, còn trẻ lại chưa nhiều kinh nghiệm.

Một thống kê cho thấy, từ khi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP có hiệu lực cho đến ngày 30/9/2015, cả nước đã thành lập được 278 Phòng Pháp chế tại 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, nhiều Phòng Pháp chế tại 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh đã và đang bị giải thể. Đến ngày 30/12/2015 chỉ còn 268 Phòng Pháp chế; đến ngày 30/9/2016 còn 126 Phòng Pháp chế. Trong vòng 02 năm (2015, 2016) số lượng Phòng Pháp chế tại 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh đã bị giải thể là 159 Phòng và đến nay đang tiếp tục biến động theo hướng giảm dần.

Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định thành lập Phòng Pháp chế ở 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, trong 14 thông tư, thông tư liên tịch do Bộ Nội vụ và các bộ ban hành lại không quy định Phòng Pháp chế trong cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Do đó khó khăn cho địa phương trong thực hiện, trong khi hiện nay các địa phương đang tiến hành việc tinh giản biên chế mạnh mẽ theo các văn bản của TƯ.

 Trước tình trạng nói trên, nhiều địa phương đề nghị Bộ Tư pháp ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP về công tác pháp chế. Kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và Thông tư quy định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh phù hợp với tinh thần Nghị quyết TƯ 6 khóa XII, tạo cơ sở pháp lý cho việc kiện toàn các cơ quan chuyên môn ở cấp tỉnh, cấp huyện.

Được biết, hiện nay Bộ Nội vụ đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP (ngày 04/4/2014) của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, TP trực thuộc TƯ. Trên cơ sở Nghị định này, các bộ sẽ chủ động xây dựng các thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.

Trong quá trình xây dựng Nghị định, Bộ Tư pháp cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ, các bộ, ngành để hoàn thiện dự thảo Nghị định đảm bảo thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là việc phù hợp với tinh thần của Nghị quyết TƯ 6 khóa XII.

Còn trước mắt, Sở Tư pháp Vĩnh Phúc và nhiều địa phương đề nghị, Bộ Tư pháp có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, TP chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác pháp chế ngành, phân công cán bộ làm công tác pháp chế có đủ tiêu chuẩn, năng lực công tác theo đúng Nghị định 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ. 

Đọc thêm