Người bị thiệt hại được phục hồi danh dự một cách chủ động

(PLO) - Chiều qua (17/8), dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) năm 2017 đã có phiên họp lần thứ nhất để cho ý kiến về định hướng xây dựng Dự thảo Nghị định.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc chủ trì phiên họp.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc chủ trì phiên họp.

Được bồi thường nhiều chi phí hợp lý khác

Báo cáo tại phiên họp, Tổ trưởng Tổ biên tập Dự thảo Nghị định, Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Bốn cho biết, căn cứ vào Luật TNBTCNN thì Dự thảo Nghị định sẽ quy định chi tiết 10 điều khoản mà Luật đã giao cho Chính phủ. Theo đó, các nội dung này được quy định thành 3 chương gồm xác định thiệt hại được bồi thường, thủ tục giải quyết bồi thường và xác định trách nhiệm hoàn trả. Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu định hướng xây dựng những nội dung chính, Cục Bồi thường nhà nước nhận thấy có một số nội dung liên quan cần thiết quy định trong Nghị định này liên quan đến trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường như thương lượng; về trách nhiệm hoàn trả; trách nhiệm của các cơ quan trong công tác giải quyết bồi thường, cơ chế phối hợp trong công tác bồi thường.

Riêng nội dung trách nhiệm hoàn trả, ông Bốn cho rằng, nếu không được quy định cụ thể thì quá trình thực hiện có thể sẽ vướng mắc trong trường hợp người có trách nhiệm hoàn trả nghỉ hưu, chuyển cơ quan, nghỉ việc hoặc chết. 

Theo dự kiến, đối với thiệt hại do tài sản bị xâm phạm và thiệt hại là chi phí khác được bồi thường, Dự thảo Nghị định sẽ quy định thế nào là giá thị trường, mức độ hao mòn, 3 tháng liền kề và thời điểm thiệt hại xảy ra; nêu rõ các trường hợp được bồi thường chi phí thuê phòng nghỉ, chi phí đi lại, in ấn tài liệu và chi phí gửi đơn thư. Về thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường, Dự thảo Nghị định dự kiến hướng dẫn về xác minh thiệt hại và thủ tục phục hồi danh dự. Trong nội dung quy định thủ tục phục hồi danh dự, Dự thảo Nghị định sẽ hướng dẫn rõ trình tự, thủ tục của 2 hình thức phục hồi danh dự là trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai; đăng báo xin lỗi và cải chính công khai.

Một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật TNBTCNN năm 2017 là đã quy định về chủ động phục hồi danh dự. Cụ thể, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường hoặc kể từ ngày có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho người bị thiệt hại về việc Nhà nước tổ chức thực hiện phục hồi danh dự… Theo đó, Dự thảo Nghị định sẽ quy định rõ cơ quan có trách nhiệm chủ động thực hiện việc phục hồi danh dự, trách nhiệm của Sở Tư pháp trong việc xác định cơ quan có trách nhiệm chủ động thực hiện việc phục hồi danh dự.

Cần đảm bảo tính khả thi của Luật

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng nhất trí với các nội dung quy định chi tiết được xây dựng thành 3 chương như đề xuất của Tổ biên tập. Về việc có nên quy định thêm một số nội dung cần thiết ngoài những điều khoản được giao quy định chi tiết, ông Tụng phân tích: Về nguyên tắc, chỉ được quy định chi tiết những nội dung được Luật giao, không thể mở rộng hơn. Tuy nhiên, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật vẫn cho phép quy định các biện pháp thi hành thuộc thẩm quyền của Chính phủ để đảm bảo hiệu quả thi hành một đạo luật. Có điều, phải xác định xem Dự thảo Nghị định nếu quy định biện pháp thi hành có chính sách mới nào không để còn đánh giá tác động, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và khi ấy phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nghị định mới có thể có hiệu lực đồng thời với hiệu lực thi hành của Luật.

Phó Cục trưởng Cục Pháp chế, cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) Vũ Huy Khánh tán thành rằng nếu Nghị định chỉ quy định chi tiết các điều khoản được Luật giao thì dễ dàng cho Ban soạn thảo. Tuy nhiên, cũng có những nội dung mặc dù quá trình xây dựng Luật đã được tính toán song không được quy định trong Luật mà tới đây Nghị định lại không có hướng dẫn sẽ khó cho các bộ, ngành, nhất là vấn đề trách nhiệm của các cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ công tác bồi thường nhà nước. Vì vậy, theo ông Khánh, để đảm bảo tính khả thi của Luật trên thực tế, cần thiết quy định cả biện pháp thi hành gắn với những nội dung được giao hướng dẫn như ý kiến của ông Bốn. 

Tuy vẫn còn một số thành viên băn khoăn việc quy định cả biện pháp thi hành sẽ khó đảm bảo tiến độ xây dựng Nghị định song đa số đều nghiêng về phương án này nhằm thiết thực đưa một đạo luật tác động đến người dân đi vào cuộc sống. Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc khi kết luận phiên họp cũng thống nhất phương án Nghị định sẽ quy định cả biện pháp thi hành và yêu cầu làm đúng quy trình được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời chỉ đạo Tổ biên tập khẩn trương xây dựng nội dung Dự thảo Nghị định. Đối với 10 điều khoản được Luật giao, Thứ trưởng nhấn mạnh, Nghị định phải quy định chi tiết, đầy đủ theo hướng cụ thể, dễ áp dụng, thuận lợi.

Đọc thêm