Người đứng đầu bộ, ngành phải chịu trách nhiệm về xây dựng pháp luật

(PLO) - Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ trực tiếp phụ trách và chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật; chịu trách nhiệm trước Chính phủ về kết quả công tác xây dựng pháp luật của cơ quan mình; coi việc hoàn thành chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được giao là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo tại hội nghị
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo tại hội nghị

Sáng 18/7, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật năm 2018.

Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cùng đại diện lãnh đạo Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành liên quan.

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Khóa XIV đến nay, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình công tác.

Đặc biệt, trong 6 tháng năm 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục ban hành nhiều Nghị quyết, quyết định để chỉ đạo, đôn đốc công tác xây dựng pháp luật. Chất lượng đa số dự án luật, pháp lệnh cơ bản được bảo đảm với những kết quả tích cực cả về mặt tiến độ và chất lượng. Cơ quan soạn thảo đã chủ động thành lập Ban soạn thảo; tập trung thời gian, nguồn lực để soạn thảo theo kế hoạch; cơ bản các dự án được trình đúng tiến độ. Chất lượng đa số dự án luật, pháp lệnh cơ bản được bảo đảm; các dự án Chính phủ trình đều được Quốc hội thông qua với tỷ lệ cao.

Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng Lê Thành Long, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình vẫn còn một số tồn tại  như: Chất lượng một số dự án luật, pháp lệnh còn hạn chế; tài liệu hồ sơ của một số dự án luật chưa đảm bảo yêu cầu về nội dung, hình thức. Vẫn còn tình trạng xin lùi, rút ra khỏi Chương trình và gửi hồ sư dự án, dự thảo đến UBTVQH, cơ quan thẩm tra, đại biểu Quốc hội còn chậm.

Đơn cử, dự án Luật Dân số, dự án Luật Quản lý phát triển đô thị phải rút ra khỏi Chương trình Kỳ họp thứ Năm; chuyển từ quy trình 2 Kỳ họp thành 3 Kỳ họp như dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

“Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là: Số lượng lớn các dự án luật, pháp lệnh cần sửa đổi, bổ sung là rất lớn, trong khi đó Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 yêu cầu chặt chẽ về trình tự, thủ tục, chất lượng dự án. Sự quan tâm và đầu tư nguồn lực của một số bộ, ngành đối với công tác xây dựng thể chế chưa tương xứng với đòi hỏi thực tế của công tác này.

Công tác truyền thông trong quá trình soạn thảo một số dự án luật, pháp lệnh chưa được quan tâm đúng mức. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác xây dựng pháp luật có lúc còn chưa nghiêm. Nguồn lực đảm bảo, nhất là cán bộ và kinh phí chưa đáp ứng được đòi hỏi của công tác xây dựng pháp luật theo quy định”, Bộ trưởng Lê Thành Long nói.

Về giải pháp trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các bộ đảm bảo chất lượng đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình, ban hành văn bản, khắc phục tình trạng xin rút, xin lùi thời hạn trình các dự án luật, pháp lệnh.

Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ trực tiếp phụ trách và chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật; chịu trách nhiệm trước Chính phủ về kết quả công tác xây dựng pháp luật của cơ quan mình; coi việc hoàn thành chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được giao là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc biệt, cơ quan ngang bộ được giao chủ trì soạn thảo có trách nhiệm thực hiện nghiêm Luật Ban hành VBQPPL năm 2015. Trong quá trình soạn thảo, chủ động phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan tổ chức liên quan tổ chức truyền thông sâu rộng, có trọng tâm, trọng điểm để các cơ quan, tổ chức và người dân nắm bắt thông tin đầy đủ về nội dung cơ bản của các dự án luật và tham gia vào quá trình xây dựng dự án luật.

Đọc thêm