Người làm công tác PBGDPL: Cần có chế độ hỗ trợ kịp thời

(PLO) - Hoàn thiện chế độ, chính sách cho người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGPDL) là một trong những điều kiện để thúc đẩy, nâng cao chất lượng công tác này.
Hình minh họa
Hình minh họa

Theo đó, các chính sách cần tập trung vào những hoạt động đặc thù và hướng đến việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của người làm công tác PBGDPL để góp phần nâng cao hiệu quả khâu thi hành pháp luật.

Thời gian qua, các chính sách chế độ đối với đội ngũ làm công tác PBGDPL đã được thực thi hiệu quả, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với hoạt động này. Theo quy định tại Điều 38 Luật PBGDPL thì các bộ, ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm “bố trí đầy đủ cán bộ, công chức, viên chức, báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật làm công tác PBGDPL phù hợp với nhu cầu PBGDPL trong lĩnh vực, địa bàn quản lý”.

Để triển khai thực hiện quy định này, tại các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật, Hội đồng phối hợp PBGDPL, nhất là đội ngũ công chức được giao chủ trì soạn thảo, tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).

Đồng thời, trong việc triển khai Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, gắn với kiện toàn tổ chức pháp chế đã cơ bản tính đến việc kiện toàn bộ phận chuyên trách tổ chức thực hiện nhiệm vụ PGBDPL. Theo đó, tập trung triển khai các nhiệm vụ như lập chương trình, kế hoạch; hướng dẫn, kiểm tra công tác PBGDPL của các đơn vị thuộc Bộ; sơ kết, tổng kết và báo cáo Bộ Tư pháp theo quy định. 

Cùng với đó, Nhà nước cũng đã có chính sách, chế độ hỗ trợ kịp thời cho người tham gia PBGDPL và được quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTC ngày 27/01/2014 quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác PBGDPL và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở. Nhìn chung, các chính sách chế độ cho người thực hiện nhiệm vụ PBGPDL cơ bản phù hợp với tính chất công việc đặc thù của hoạt động; góp phần khuyến khích, động viên cán bộ, công chức, người tham gia vào công tác PBGDPL yên tâm công tác, hợp tác lâu dài và thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Nhờ đó, trong thời gian gần đây, công tác PBGDPL đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về nội dung và phương pháp triển khai thực hiện. Nhiều chính sách, VBQPPL có nội dung liên quan đến người dân và doanh nghiệp đã được cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức phổ biến, giới thiệu để tranh thủ ý kiến, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội ngay từ khâu soạn thảo. Việc cung cấp thông tin pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được đẩy mạnh và phát huy tác dụng tích cực, giúp các đối tượng thi hành kịp thời nắm vững pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật hiệu quả.

Tuy nhiên, công tác kiện toàn và các chính sách hỗ trợ cho đội ngũ thực hiện công tác PBGDPL hiện vẫn còn một số hạn chế. Việc rà soát phân loại đối tượng đôi khi còn chưa tính đến việc ưu tiên cho các cán bộ, công chức được giao soạn thảo, tổ chức thi hành VBQPPL, dẫn đến người thường xuyên phải thực thi PBGDPL không được bổ túc kỹ năng, trong khi một số báo cáo viên, tuyên truyền viên rất ít tham gia trực tiếp lại là đối tượng được quan tâm hơn, vì vậy, tính hiệu quả chưa cao. Một số nội dung trong công tác PBGDPL vẫn còn dài trải, thậm chí tính thiết thực, hiệu quả thấp, không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay, đòi hỏi phải tiếp tục rà soát để có điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo nguyên tắc ưu tiên hoạt động trọng tâm cần thúc đẩy.

Từ tình hình đó, cần nghiên cứu điều chỉnh các chế độ, chính sách cho đội ngũ làm công tác PBGDPL cho phù hợp. Theo đó, phải xác định vị trí, vai trò, chức năng của công tác PBGDPL hiện nay được triển khai trên cơ sở pháp lý quan trọng là Luật PBGDPL. Theo đó, nhiệm vụ PBGDPL là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị. Nhà nước giữ vai trò nòng cốt và Nhà nước sẽ bảo đảm nguồn lực cần thiết cho công tác này. Từ đó, gắn với việc rà soát, đánh giá để tăng cường các khâu sẽ có kiến nghị điều chỉnh chính sách, chế độ hỗ trợ cho các nội dung hoạt động đặc thù cần thúc đẩy tăng cường theo yêu cầu của Luật và đòi hỏi thực tiễn, đồng thời phù hợp với các hoạt động thuộc lĩnh vực khác có tính tương đồng. 

Đặc biệt, cần tiếp tục thực hiện hiện tốt Bộ tiêu chí đánh giá tính hiệu quả công tác PBGDPL. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để đề xuất chính sách, chế độ hỗ trợ cho công tác này. Mặt khác, phải tính đến việc huy động tổ chức, cá nhân chung tay tổ chức thực hiện công tác này, chia sẻ trong các khâu đào tạo nguồn nhân lực; chuẩn bị, biên soạn tài liệu và tổ chức các buổi PBGDPL. Theo đó, phải có chính sách cụ thể rõ ràng, minh bạch cho việc tổ chức huy động, tham gia tài trợ và cơ chế sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ hiệu quả để tổ chức và thấy được những đóng góp của mình mang lại cho công tác này.

Đọc thêm