Nhiều điểm tiến bộ trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

(PLO) - Ngày 20/9 tại TP HCM, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 với sự tham gia của gần 200 đại biểu đến từ các sở, ngành thuộc các tỉnh phía Nam từ Quảng Nam đến Cà Mau. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc chủ trì Hội Nghị. 
Nhiều điểm tiến bộ trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 (có hiệu lực từ 1/7/2018) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nó thể chế hóa đường lối chủ trương của Đảng về Nhà nước pháp quyền, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Đây là điểm tiến bộ của chúng ta, bởi không phải nước nào cũng có luật này, kể cả một số nước phát triển.

Theo đó, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 có rất nhiều điểm mới và tiến bộ trên nhiều mặt. Về đối tượng yêu cầu bồi thường đã rất cụ thể và mở rộng gồm: Người bị thiệt hại, người thừa kế của người bị thiệt hại, tổ chức bị thiệt hại, tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại; người đại diện đương nhiên; người được ủy quyền.

Thời hiệu yêu cầu bồi thường cũng được nới rộng từ 2 lên 3 năm. Trong đó quyền yêu cầu khôi phục danh dự thì không có thời hạn, mà bất cứ lúc nào họ yêu cầu đều phải tiến hành.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Điểm mới thứ 3, là về nguyên tắc bồi thường của Nhà nước quy định rất rõ: Phải bảo đảm kịp thời, công khai, đúng pháp luật; Bảo đảm sự thương lượng cho quá trình giải quyết bồi thường, bởi bồi thường Nhà nước là loại bồi thường đặc biệt ngoài hợp đồng theo Bộ luật Dân sự.

Cơ chế giải quyết bồi thường có nhiều điểm tiến bộ. Luật 2017 mở rộng cơ chế người bị thiệt hại khi có văn bản giải quyết thì có quyền khởi kiện trực tiếp ra tòa, luật 2009 không có cơ chế này. Trong giải quyết vụ án hình sự thì được giải quyết theo một cơ chế riêng, bắt buộc phải giải quyết tại cơ quan quản lý của người thi hành công vụ gây thiệt hại, nếu người bị thiệt hại không đồng ý mới có quyền khởi kiện ra tòa.

Theo thống kê, hệ thống các cơ quan giải quyết bồi thường hiện nay có khoảng 28 nghìn cơ quan giải quyết bồi thường. Từ cấp xã trở lên nếu gây ra thiệt hại cho người dân. Thực tế qua tổng kết Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 thì cấp xã chỉ có một trường hợp duy nhất phải bồi thường. Suốt 7 năm thực hiện Luật 2009, cả nước có hơn 250 trường hợp phải bồi thường, nhưng chỉ có một vụ được giải quyết đúng thời hạn, còn lại đều quá thời hạn, thậm chí có những vụ kéo dài nhiều năm.

Chính vì vậy, trong Luật mới đã quy định rõ thời gian cụ thể, từ xác minh, thụ lý. Từ 125 ngày trước đây xuống còn tối đa 71 ngày. Luật quy định rõ, thương lượng thành công sẽ trao quyết định ngay. Nếu không thành cũng phải gửi biên bản thương lượng để người bị thiệt hại lấy biên bản này có thể khởi kiện ra tòa giải quyết.

Đặc biệt Luật 2017 quy định về tạm ứng bồi thường rất cụ thể. Đây sẽ là Luật tối ưu vì giải quyết nhanh cho người oan, sai, bởi khi oan, sai họ đã chịu thiệt thòi rất nhiều. 

Liên quan tới phục hồi danh dự thì cơ quan Nhà nước phải chủ động phục hồi danh dự mặc dù người bị thiệt hại không hoặc chưa yêu cầu.

Luật cũng quy định rõ các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ yêu cầu bồi thường. Về thủ tục có sự cải cách rất lớn là quy định thành phần tham gia bắt buộc ở trong quá trình thương lượng. Cơ quan tài chính theo luật mới chỉ có nhiệm vụ cấp kinh phí khi có hồ sơ từ các cơ quan giải quyết bồi thường chuyển tới, mà không có chức năng kiểm tra, rà soát các hồ sơ thủ tục của các cơ quan giải quyết bồi thường. Trong khi trước đây các cơ quan tài chính phải xem xét lại nên mất rất nhiều thời gian, thậm chí khi không đồng ý thì các cơ quan khác lại phải làm lại. Nay thì cơ quan tài chính không làm điều đó, trừ trường hợp có sai sót.

Liên quan tới vấn đề hoàn trả lại khoản tiền tạm ứng bồi thường. Quá trình tổng kết Luật 2009 thì Nhà nước chi hơn 100 tỷ để bồi thường, nhưng thực tế công chức gây thiệt hại chỉ hoàn trả được vài trăm triệu. Luật 2017 quy định mức hoàn trả cao hơn, thể hiện trách nhiệm nặng nề hơn với người gây thiệt lại so với Luật 2009. Ví dụ, đối với hành vi trái pháp luật gây thiệt hại mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì quy định tối thiểu 30 đến 50 tháng lương, trước đây chỉ là 30 tháng. Điểm quan trọng nhất là quy định rất rõ trong trường hợp 1 người hoặc nhiều người gây thiệt hại.

Hội nghị đã nhận được rất nhiều tham luận cũng như ý kiến đóng góp trực tiếp về quá trình sắp triển khai thực hiện luật này. Có đại biểu đề nghị giải thích rõ hơn một số vấn đề vì thấy còn chênh nhau hay thiếu sót. Có đại biểu cũng cho rằng do nhân lực có hạn, chủ yếu kiêm nhiệm nên cảm thấy lúng túng trong khi thời gian có hiệu lực của Luật đang cận kề.

Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu tại hội nghị
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đánh giá cao các bản tham luận cũng như đóng góp những ý kiến hết sức thiết thực, thẳng thắn trong quá trình thực tiễn mà các cơ quan, đơn vị đã và đang vướng mắc.

Thứ trưởng nhấn mạnh, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 có ý nghĩa hết sức quan trọng. Ngoài việc kế thừa các quy định của Luật năm 2009, thì Luật 2017 đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới rõ ràng, cụ thể để phù hợp với thực tiễn đất nước.

Để luật được thực thi đầy đủ, sâu sát vào cuộc sống thì đòi hỏi mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, cũng như cá nhân mỗi cán bộ công chức phải không ngừng trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng để thực hiện được tốt vì thời gian Luật có hiệu lực không còn xa.

Đọc thêm