Nhiều quy định 'làm khó' các chủ thể liên quan khi xác minh điều kiện thi hành án

(PLO) - Việc tổ chức thi hành Luật Thi hành án dân sự (THADS) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng cũng đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn nhất định. Liên quan đến quy định về xác minh điều kiện thi hành án (THA), qua thực tiễn thực hiện đã xuất hiện nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho cả cơ quan chức năng và người được THA.
Xác minh điều kiện thi hành án (Ảnh minh họa)
Xác minh điều kiện thi hành án (Ảnh minh họa)

Đối với người được THA: Điểm đ khoản 2 Điều 31 Luật THADS (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định: “Đơn yêu cầu phải có nội dung: Thông tin về tài sản hoặc điều kiện THA của người phải THA, nếu có...”. Quy định này không phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và gây khó khăn, trở ngại trong hoạt động THADS bởi vì người được THA rất khó có thể xác minh được điều kiện THA của người phải THA để ghi thông tin về tài sản của người THA trong đơn.

Trường hợp nếu có xác minh được thì kết quả xác minh thường là chưa đảm bảo tính chính xác, khách quan. Vì vậy, điều luật đưa ra nội dung này mang tính hình thức, khó thực hiện trong thực tiễn. 

Tương tự, khoản 5 Điều 44 của Luật quy định: “Người được THA có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện THA, cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện THA của người phải THA cho cơ quan THADS”. Tuy nhiên, trong thực tế việc người được THA tự mình xác minh điều kiện của người phải THA là rất khó khăn và hầu như không đạt kết quả. Bởi thủ đoạn che giấu tài sản, thu nhập của người phải THA ngày càng trở nên tinh vi, phức tạp và khó xác định hơn như che giấu các nguồn thu nhập, tẩu tán tài sản bằng nhiều hình thức khác nhau, thay đổi chỗ ở liên tục nhưng không có sự trình báo với chính quyền địa phương…

Đặc biệt khi người được THA tiến hành xác minh điều kiện THA của người phải THA tại các cơ quan nhà nước, các cơ quan hữu quan khác thì việc yêu cầu các cơ quan đó cung cấp thông tin lại càng khó khăn. Vì các cơ quan này cho rằng mình không có trách nhiệm phải cung cấp những thông tin cho người dân mà họ chỉ cung cấp cho những cơ quan nhà nước khi có yêu cầu bằng văn bản. 

Đối với chấp hành viên (CHV), theo khoản 1 Điều 44 Luật THADS sửa đổi, bổ sung, “Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện THA mà người phải THA không tự nguyện thi hành thì CHV tiến hành xác minh; trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải tiến hành xác minh ngay”. 

Tuy quy định thời hạn là 10 ngày nhưng trên thực tế, CHV chỉ có khoảng từ 6 - 8 ngày làm việc. Việc này gây khó khăn cho CHV trong trường hợp cùng một lúc nhận nhiều hồ sơ THA hoặc hồ sơ có nhiều người phải THA và những người này lại có nơi ở, làm việc khác nhau hoặc địa điểm xác minh cách xa trụ sở làm việc. 

Vì vậy, có ý kiến đề nghị sửa đổi khoản 1 Điều 44 Luật THADS theo hướng tăng thời hạn xác minh điều kiện THA từ 10 ngày lên 15 ngày cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Về phía các cơ quan chức năng: Khoản 6 Điều 44 Luật THADS năm 2014 quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xác minh điều kiện THA nhưng chưa quy định rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã tham gia với tư cách là người đứng đầu chính quyền địa phương khi phối hợp với cơ quan THADS để xác minh điều kiện THA. Do đó, nên chăng cần phải quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của người đứng đầu chính quyền địa phương.

Lắng nghe các phản ánh từ thực tiễn, Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp) thời gian qua đã liên tục đưa ra những phương án giải quyết. Riêng về thời hạn xác minh, Tổng cục phân tích, khoản 1 Điều 44 Luật THADS chỉ quy định là trong thời hạn 10 ngày kể từ thời điểm hết thời hạn tự nguyện thi hành thì CHV tiến hành xác minh mà không buộc trong thời hạn đó CHV phải xác minh xong. Do vậy, trường hợp CHV nhận nhiều hồ sơ cùng một lúc thì CHV phải sắp xếp, xây dựng kế hoạch để đảm bảo không vi phạm về thời hạn thực hiện xác minh lần đầu.

Đối với trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời CHV phải thực hiện việc xác minh ngay. Trường hợp đã có kế hoạch công tác khác thì CHV phải báo cáo Thủ trưởng đơn vị để có sự bố trí, sắp xếp cho phù hợp với nhiệm vụ. Những phương án giải quyết như thế này cần tiếp tục được Tổng cục duy trì để tạo thuận lợi trong thực hiện Luật THADS tại địa phương.

Đọc thêm