Những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt nam thời 4.0

(PLVN) - “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam”, Hội thảo khoa học cấp quốc gia diễn ra hôm nay 24/6 tại Hà Nội thu hút sự chú ý rất lớn của các chuyên gia, nhà khoa học và đông đảo người dân. Trước giờ diễn ra Hội thảo, Báo Pháp luật Việt Nam đã ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia:
Những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt nam thời 4.0

TSKH. Phan Xuân Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: Phải đổi mới tư duy và phương thức quản lý dựa trên nền tảng công nghệ cao

Sự phát triển mạnh mẽ của KH&CN trên thế giới như hiện nay là chưa từng có trong lịch sử loài người. Nền kinh tế tri thức và sự biến chuyển trong các chuỗi giá trị toàn cầu đang tạo ra thời cơ mới cho Việt Nam hội nhập sâu hơn và hiệu quả hơn vào kinh tế thế giới, đặc biệt là khi cuộc CMCN lần thứ tư mới đang trong giai đoạn đầu. Vì thế, chúng ta phải đổi mới tư duy và phương thức quản lý phải dựa trên nền tảng công nghệ cao, có hệ thống tri thức, lý luận mới và tinh thần sáng tạo; phải nhận thức rõ cuộc CMCN lần thứ tư là cuộc cách mạng của sự hội tụ từ nhiều công nghệ và lĩnh vực công nghệ cao. Đặc biệt, phải hiểu và đánh giá đúng bản chất của cuộc cách mạng này; tích cực học hỏi kinh nghiệm các quốc gia phương pháp ứng dụng và chuyển giao công nghệ đồng thời phải coi trọng và đặt đúng vai trò của KH&CN, GD&ĐT, phải làm cho doanh nghiệp cần đến KH&CN và nguồn nhân lực bậc cao 

TSKH. Phan Xuân Dũng
TSKH. Phan Xuân Dũng
Việt Nam cần đáp ứng được những yêu cầu mà cuộc CMCN lần thứ tư đặt ra, phải coi KH&CN là nền tảng quan trọng đưa sự phát triển mang tính đột phá và bền vững của đất nước trong tương lai. Cần ưu tiên, chọn lọc những KH&CN tiên tiến, phù hợp xu thế và tạo ra sự phát triển nhảy vọt, bền vững cho tương lai, chú trọng đầu tư vào những lĩnh vực mới; lựa chọn các ngành, công nghệ mũi nhọn đầu tư phát triển, cần nhanh chóng thoát khỏi bị lệ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài. Chúng ta phải có một quyết tâm chính trị lớn vì đang đứng trước một cuộc cách mạng với những thay đổi rất nhanh chóng. Theo đó cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp: đầu tư một cách có hiệu quả cho KH&CN; thực hiện tốt chính sách và giải pháp về chuyển giao công nghệ; đổi mới, sáng tạo và ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp; xây dựng chính sách làm cho doanh nghiệp cần đến KH&CN, đến nguồn nhân lực bậc cao; định hướng thể chế hóa các quy định pháp luật về KH&CN.

TS. Hoàng Anh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý khoa học, VKSND tối cao: Phát huy sức mạnh của công nghệ để xử lý vi phạm và tội phạm

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Chính phủ cần tích cực, nhanh chóng triển khai thực hiện đề án về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình cụ thể để thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của BLTTHS năm 2015; đồng thời đầu tư kinh phí để bảo đảm việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can, sao chép, số hóa tài liệu trong hồ sơ vụ án hình sự.

Với sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0, những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần phải được trang bị kiến thức, hiểu biết về công nghệ cao, có như vậy mới hiểu được bản chất, phương thức, thủ đoạn mà đối tượng phạm tội sử dụng để thực hiện hành vi. Phải sử dụng được sức mạnh của công nghệ để kiểm soát tình tình thực hiện nhiệm vụ, các quyết định, phản ứng, chỉ dẫn xử lý vụ việc vi phạm và tội phạm phải được đưa ra chính xác với tốc độ nhanh nhất. Để chủ động nắm bắt thời cơ, tận dụng các lợi thế do cuộc cách mạng 4.0 mang lại, cần xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ không những vững về chính trị, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ mà còn cần am hiểu công nghệ và biết vận dụng tiến bộ, khoa học kỹ thuật vào thực hiện nhiệm vụ.

Ông Hoàng Anh Tuyên
Ông Hoàng Anh Tuyên
Do đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cần bổ sung nội dung đào tạo kiến thức công nghệ cao gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ cũng như cách thức bảo mật thông tin công tác trước các cuộc tấn công trên không gian mạng; sử dụng điện toán đám mây để lưu trữ thông tin phục vụ công tác vào bất cứ lúc nào mà không cần phải trao đổi qua đường thủ công văn bản, công văn như hiện nay. Cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quá trình xử lý giải quyết công việc như tổ chức giao ban quý, năm của mỗi tỉnh, các hội nghị tập huấn toàn ngành ở cả nước thực hiện qua trực tuyến…; đầu tư nhiều hơn về cơ sở hạ tầng, phù hợp với xu hướng tác động của cách mạng công nghiệp 4.0. Cùng với đó, công tác hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm mạng cần phải được tăng cường hơn nữa trên các mặt như hành lang pháp lý, cơ chế phối hợp, nguồn nhân lực, trình độ của cán bộ thực thi pháp luật.

Thạc sĩ Quản trị kinh doanh Thạch Lê Anh –  Sáng lập Vietnam Silicon Valley, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khởi nghiệp ĐMST - VSV R&D: Cần xây dựng thị trường đầu tư mạo hiểm đủ lớn mạnh trong nước

Cơ hội để Việt Nam tăng trưởng GDP ở giai đoạn hiện tại chính là tăng trưởng năng suất lao động thực. Và một trong những yếu tố để tăng trưởng năng suất lao động thực nhanh nhất chính là thúc đẩy thương mại hóa công nghệ bằng việc tạo thị trường vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam cho các công ty khởi nghiệp công nghệ. Đặc thù của mô hình đầu tư mạo hiểm là đầu tư vào con người, những con người dám làm dám chịu, dám thay đổi, chấp nhận thử nghiệm cái mới, chấp nhận thất bại để đạt được thành công đột phá. Việc đầu tư vào con người và các hoạt động của nhóm người đó nhằm khảo sát đánh giá thị trường, thử nghiệm sản phẩm và có thể cả công nghệ mới... Thực chất đây là khoản chi phí mà chưa chắc đã đem lại được doanh thu hay lợi nhuận. Do đó, việc kêu gọi tư nhân tự đầu tư vào Startup là vô cùng khó khăn, bởi chúng ta chưa quen với việc chấp nhận thất bại. Rất nhiều Startup Việt Nam đã chứng minh năng lực và tiềm năng của mình so với các Startup khác trong khu vực và được định giá tỷ đô với những thương vụ đầu tư bạc tỷ. Tuy vậy nhưng ở thời điểm hiện tại, văn hóa đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam dù đã bắt đầu nhen nhóm nhưng vẫn còn rất sơ khai.

Thạc sĩ Quản trị kinh doanh Thạch Lê Anh
Thạc sĩ Quản trị kinh doanh Thạch Lê Anh
Với lợi thế 100 triệu dân và GDP đang tăng trưởng nhanh hàng năm, nước ta sẽ rất nhanh chóng trở thành thị trường có sức tiêu dùng lớn để các doanh nghiệp nhắm tới, song cần có phương pháp hiệu quả để giữ lại các khoản thu thuế cũng như giữ được các tài sản lớn là các Startup tỷ đô. Do vậy, Chính phủ Việt Nam cần sớm soạn thảo và ban hành Luật Đầu tư mạo hiểm và Thí điểm đầu tư vốn mồi vào các quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước để kêu gọi đồng đầu tư từ nước ngoài vào các công ty khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam. Bên cạnh đó, Chính phủ cần đóng vai trò thu hút khối tư nhân cùng đầu tư vào thị trường Startup. Việc làm này sẽ thu hút không chỉ Startup và nhà đầu tư tư nhân ở Việt Nam mà còn cả trong khu vực và trên thế giới. Nếu Chính phủ tiên phong trong việc xây dựng được thị trường đầu tư mạo hiểm đủ lớn mạnh trong nước, các Startup Việt Nam sẽ có thể kêu gọi được đầu tư trên chính quê hương của mình, và Việt Nam sẽ giữ lại được tất cả những Startup triệu đô trong tương lai.

Chuyên gia công nghệ Đặng Vân Phúc - Sáng lập viên Công ty ONPUN: Cần chính sách hỗ trợ và thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo

Việt Nam đứng thứ 3 châu Á về khởi nghiệp sáng tạo, các nhà khởi nghiệp ở nước ngoài đang có xu hướng quay về trở lại Việt Nam khi thấy tín hiệu từ Chính phủ trong việc soạn thảo hành lang pháp lý sandbox cho Fintech trong năm qua. Do đó, để thực sự là cơ hội, Chính phủ Việt Nam cần cam kết thực hiện, hỗ trợ và thúc đẩy khởi nghệp sáng tạo nói chung, các doanh nghiệp Fintech nói riêng và nhất là các hoạt động liên quan công nghệ Blockchain, tiền điện tử, tài sản điện tử. Trước khi có đạo luật riêng cho Fintech, cần có ngay khung pháp lý sandbox cho doanh nghiệp và cộng đồng có môi trường hoạt động thay vì ngồi chờ hoặc ra nước ngoài hoạt động.

Chuyên gia công nghệ Đặng Vân Phúc
Chuyên gia công nghệ Đặng Vân Phúc
Với khởi nghiệp sáng tạo, Chính phủ hỗ trợ các trung tâm tư vấn, vườn ươm khởi nghệp. Với các hoạt động đầu tư, hành lang pháp lý sandbox cho phép các nhà khởi nghiệp thuận lợi đăng ký, tiếp cận nguồn vốn, đồng thời bảo vệ nhà đầu tư, tạo môi trường hoạt động lành mạnh, sở hữu trí tuệ, tránh các hệ lụy ngoài mong muốn cũng như vi phạm pháp luật trong hoạt động Fintech. Hướng dẫn về hành lang pháp lý và cho phép triển khai các dự án mới, ý tưởng mới trên nền tảng công nghệ mới một cách hiệu quả và an toàn cho chính người dân và giảm thiểu tác động xấu ra ngoài. Tuân thủ tối đa pháp luật hiện hành và điều chỉnh trong khuôn khổ hạn chế có giám sát để tránh tác động xấu ra ngoài nhưng cũng là môi trường cho hoạt động ý tưởng mới được trải nghiệm và thử nghiệm. Đồng thời cần có chính sách, luật cho đầu tư mạo hiểm, cho mở các sàn giao dịch ICO, STO và Coin trong khuôn khổ Sandbox, hoạt động công khai, minh bạch và hiệu quả theo chiều hướng không chỉ cực đoan hoặc thả nổi tự do hoặc cấm triệt để mà cho phép hoạt động trong cơ chế hạn chế có giám sát. 

Đọc thêm