Quan hệ hợp tác phát triển Việt Nam – Thụy Điển ngày càng toàn diện và sâu sắc

(PLO) - Thụy Điển là nước phương Tây công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao sớm nhất với Việt Nam (11/1/1969). 50 năm qua, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước không ngừng củng cố và phát triển trên tất cả các lĩnh vực nói chung, trong đó có pháp luật và tư pháp.

Nhiều đóng góp mang lại hiệu quả thiết thực 

Năm 1967, khi đất nước đang trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Thụy Điển đã quyết định hỗ trợ nhân đạo đối với Việt Nam. Đó là sự khởi đầu cho một mối quan hệ dài lâu, thành công giữa Thụy Điển và Việt Nam. Trong những năm qua, Thụy Điển đã hỗ trợ gần 4 tỷ USD cho Việt Nam trên các lĩnh vực hợp tác quan trọng như y tế, xóa đói, giảm nghèo, dân chủ cơ sở, pháp luật và tư pháp, báo chí, quản lý đất đai, phòng chống tham nhũng, năng lượng, biến đổi khí hậu… Thông qua các chương trình phát triển, các dự án đào tạo quản lý kinh tế, cải cách hành chính, tư pháp…, sự hợp tác phát triển của Thụy Điển đã có nhiều đóng góp mang lại hiệu quả thiết thực cho quá trình cải cách kinh tế, pháp luật và từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật ở Việt Nam

Thụy Điển là nhà tài trợ ODA lớn thứ hai trong những năm 1970, thứ nhất trong những năm 1980 và thứ tư trong những năm 1990. Trên thực tế, trong thập niên 80, viện trợ ODA từ Thụy Điển chiếm phần lớn trong tổng số ODA mà Việt Nam tiếp nhận (64% tổng số tiền ODA song phương cho Việt Nam, tương đương 36% tổng số tiền ODA – bao gồm ODA song phương và ODA đa phương cho Việt Nam trong nhập niên này).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong chuyến công tác tại Thụy Điển năm 2017
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong chuyến công tác tại Thụy Điển năm 2017

Năm 2012, Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế SIDA tiến hành đánh giá độc lập, nhìn lại những quá trình hợp tác, thực hiện các chương trình hỗ trợ của Thụy Điển với sự tham gia của nhóm đánh giá gồm GS. Mark McGillivray, TS. David Carpenter và ông Stewart Norup. Báo cáo kết luận cho thấy, chương trình hợp tác Thụy Điển – Việt Nam đã cải thiện y tế, giáo dục và sự phát triển nói chung của hàng triệu công dân Việt Nam. 

Năm 2017 thật sự là một năm rất quan trọng trong lịch sử ngoại giao hai nước với nhiều chuyến thăm và làm việc giữa 2 Bên. Cụ thể là chuyến thăm Thụy Điển của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân vào tháng 4/2017 sau 24 năm kể từ chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh năm 1993. Tháng 8, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cũng thăm các trường học tại thủ đô Stockholm. Đến tháng 11, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển đã thăm chính thức Việt Nam.

Có thể xác định phương thức hợp tác mới

Riêng trong lĩnh vực pháp luật, tư pháp, hợp tác pháp luật giữa Việt Nam và Thụy Điển được thực hiện trên cơ sở một số Dự án, Chương trình hợp tác giữa hai Chính phủ, tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu là đào tạo luật và trợ giúp pháp lý cho Việt Nam. Các Dự án hợp tác được thực hiện theo đúng cam kết giữa hai Chính phủ, đạt được các mục tiêu và tiến độ đã đề ra. 

Từ năm 1998 đến nay, Bộ Tư pháp đã thực hiện 5 Dự án, hoạt động hợp tác với Thụy Điển. Cụ thể là Dự án “Tăng cường công tác đào tạo luật tại Việt Nam (1998 - 2011)” nhằm mục tiêu tăng cường năng lực cho đội ngũ giảng viên luật; phát triển hệ thống thông tin thư viện, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế; Dự án “Hỗ trợ hệ thống trợ giúp pháp lý ở Việt Nam (2005 - 2009)”; hoạt động: “Hỗ trợ xây dựng Luật Luật sư (2005 - 2006) nhằm khảo sát tổng thể về tổ chức và hoạt động của luật sư trên toàn quốc”; Dự án “Hỗ trợ cải cách tư pháp và pháp luật tại Việt Nam - Giai đoạn 3 (2006 - 2009) nhằm nâng cao năng lực chuyên môn của các luật sư; xây dựng chiến lược phát triển dài hạn cho nghề luật sư ở Việt Nam”; Chương trình Đối tác tư pháp (2010 - 2015) do EU, Đan Mạch và Thụy Điển đồng tài trợ, có mục tiêu là hỗ trợ Chiến lược cải cách tư pháp của Việt Nam. Chương trình đã được triển khai từ 01/01/2010 và kết thúc vào năm 2015.

Thụy Điển giúp phát triển hệ thống thư viện hiện đại tại ĐH Luật Hà Nội
Thụy Điển giúp phát triển hệ thống thư viện hiện đại tại ĐH Luật Hà Nội

Trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế, Việt Nam và Thụy Điển thực hiện quan hệ hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi trên cơ sở Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi được ký kết ngày 4/2/2004 (có hiệu lực kể từ ngày 2/5/2004). Trong 5 năm thực hiện Hiệp định, Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp) tiếp nhận 329 hồ sơ, giải quyết được 283 hồ sơ của công dân Thụy Điển xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi.

Ngày 23/10/2008, Bộ Ngoại giao Thụy Điển có Công hàm gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển thông báo về việc phía Thụy Điển đề nghị chấm dứt Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi với Việt Nam. Hiệp định hợp tác nuôi con nuôi giữa hai nước đã chính thức chấm dứt ngày 1/5/2009. 

Ngày 18/7/2013, Việt Nam và Thụy Điển đã thiết lập lại quan hệ hợp tác về nuôi con nuôi giữa hai nước trên cơ sở trao đổi Công hàm. Ở giai đoạn hợp tác mới, chỉ có 1 tổ chức con nuôi của Thụy Điển được cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam (Tổ chức AC - Adoptions Centrum). Theo thống kê, tính đến tháng 10/2017, tổng số hồ sơ đã được giải quyết là 42 hồ sơ (35 hồ sơ nhận trẻ em Danh sách 2, 2 hồ sơ nhận trẻ em Danh sách 1 và 5 hồ sơ nhận con riêng, cháu ruột).

Còn trong lĩnh vực tương trợ tư pháp, kể từ ngày 1/10/2016, yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự giữa Việt Nam và Thụy Điển được thực hiện theo khuôn khổ Công ước La Hay năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại. Trong giai đoạn từ 1/1/2017 đến 31/10/2018, Việt Nam không nhận được yêu cầu nào từ phía Thụy Điển. Việt Nam gửi đi Thụy Điển 11 yêu cầu, đã nhận được 2 kết quả trả lời.

Thành công lớn nhất trong quan hệ hợp tác song phương về pháp luật và tư pháp giữa hai Bên là Thụy Điển đã giúp đào tạo dài hạn/ngắn hạn hoặc bồi dưỡng hàng trăm cán bộ, chuyên gia pháp luật (thạc sỹ, tiến sỹ luật); phát triển hệ thống thư viện hiện đại cho Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật TP HCM.

Để tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực tư pháp, hai Bên đang thảo luận để Thụy Điển cân nhắc tiếp tục hỗ trợ tiến trình hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp ở Việt Nam bằng các hình thức hợp tác như hỗ trợ chuyên gia quốc tế, cung cấp thông tin, tài liệu tham khảo, chia sẻ thông tin, kinh nghiệmvà cùng phối hợp với nhau trên các diễn đàn đa phương về pháp luật và tư pháp như Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế, Ủy ban Luật quốc tế của Liên hiệp quốc, IDLO, UNIDROIT. Trong lĩnh vực tương trợ tư pháp, Việt Nam đề nghị phía Thụy Điển quan tâm thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp của Việt Nam.

Chặng đường nửa thế kỷ hợp tác, phát triển Việt Nam – Thụy Điển cho thấy, hai quốc gia có nhiều tiềm năng cần được khai thác và phát triển trên nhiều mặt, đa dạng về hình thức. Với kinh nghiệm và những thành tựu đã đạt được, các đối tác hai Bên có thể xác định phương thức hợp tác mới, phù hợp định hướng và điều kiện của mỗi nước, tiếp tục duy trì và phát huy tình hữu nghị hợp tác truyền thống để khai thác tiềm năng thế mạnh sẵn có của hai Bên, tạo xung lực cho quan hệ hợp tác đối tác Việt Nam - Thụy Điển phát triển ngày càng bền vững và sâu rộng.

Đọc thêm