Sử dụng Bộ pháp điển sẽ góp phần giảm chi phí tuân thủ pháp luật

(PLVN) - Ngày 28/6, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị giới thiệu, hướng dẫn khai thác và sử dụng Bộ pháp điển để giúp các cá nhân, tổ chức sớm tiếp cận, khai thác, sử dụng Bộ pháp điển một cách hiệu quả. Hội nghị được tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của hơn 500 đại biểu đến từ các cơ quan, bộ, ngành Trung ương và một số địa phương.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Đồng Ngọc Ba cho biết, trong những năm qua, công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó còn nhiều vấn đề đang đặt ra như hệ thống pháp luật còn rất phức tạp, cồng kềnh, nhiều tầng nấc, với nhiều chủ thể ban hành nhiều loại văn bản quy phạm pháp luật, số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành rất lớn và có xu hướng tiếp tục gia tăng. 

Tính đến ngày 31/5/2019, qua rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên phạm vi cả nước, có 8.748 văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan ở Trung ương ban hành và 52.544 văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan ở địa phương ban hành.

Với một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật như hiện nay, khó có thể tránh khỏi nội dung các văn bản quy phạm pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo. Mặt khác, trong điều kiện các quan hệ kinh tế - xã hội ở nước ta đang tiếp tục thay đổi mạnh mẽ, hệ thống pháp luật đang phát triển không ngừng cả về lượng và chất. 

Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật và một điều kiện quan trọng bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả chính là tính công khai, minh bạch, tiếp cận thuận lợi cũng như dễ hiểu, hiểu thống nhất và tiết kiệm chi phí tuân thủ.

Để tạo cơ sở pháp lý nền tảng cho công tác pháp điển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật năm 2012, giao Chính phủ xây dựng Bộ pháp điển chính thức của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việc pháp điển được thực hiện đối với các quy phạm pháp luật trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở Trung ương (từ thông tư trở lên, trừ Hiến pháp).

Theo quy định, Bộ pháp điển có 45 chủ đề, 265 đề mục, điều chỉnh các quan hệ xã hội nhất định theo nhóm. Đến nay, tuy Bộ pháp điển chưa làm xong (đã hoàn thành 120 đề mục, có đề mục rất quan trọng như đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, xử lý vi phạm hành chính, ngân hàng…) nhưng mỗi chủ đề, đề mục có tính độc lập tương đối, có thể sử dụng ngay được mà không cần phải đợi đến năm 2023 – năm dự kiến xây dựng xong Bộ pháp điển. 

Trong quá trình sử dụng Bộ pháp điển, ông Ba mong muốn người dùng lan tỏa ra xã hội, đến tổ chức, cá nhân khác. Đáng chú ý, đây là Bộ pháp điển được truy cập miễn phí hoàn toàn và khi được xây dựng xong, toàn xã hội cơ bản sử dụng mà không phải dùng đến nguồn văn bản nào khác, đồng nghĩa là tiết kiệm chi phí tuân thủ pháp luật. Thời gian tới, ông Ba cam kết sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đưa Bộ pháp điển đến người dân như làm ứng dụng sử dụng trên điện thoại…

Đọc thêm