Tăng cường vai trò, trách nhiệm của phụ nữ trong gia đình và xã hội

(PLO) - Chiều 5/1, tại trụ sở Bộ Tư pháp đã diễn ra Lễ ký kết Chương trình phối hợp thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), trợ giúp pháp lý (TGPL), tư vấn pháp luật (TVPL) cho phụ nữ; hòa giải ở cơ sở (HGOCS) và lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật giai đoạn 2018 – 2022 do Bộ Tư pháp phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (HLHPN) Việt Nam tổ chức.
Quang cảnh Lễ ký kết
Quang cảnh Lễ ký kết

Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch HLHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà đồng chủ trì buổi lễ. Tham dự có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Phó Chủ tịch HLHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị của hai cơ quan và đại diện Sở Tư pháp, HLHPN một số địa phương.

Trước đó, hai cơ quan đã ký kết, ban hành Chương trình phối hợp số 14/CTPH-BTP-HLHPNVN giai đoạn 2013 – 2017. Qua 05 năm triển khai thực hiện, Chương trình 14 đã kế thừa những kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Chương trình phối hợp số 14, tiếp tục tạo cơ sở pháp lý cho hai cơ quan phối hợp tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao hiểu biết, kiến thức pháp luật; hỗ trợ pháp lý cũng như tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia quản lý nhà nước. Công tác phối hợp giữa 2 bên có sự chuyển biến, các hoạt động được triển khai xuyên suốt, tạo sự đồng thuận và sự vào cuộc từ cấp TƯ tới cấp địa phương, hiệu quả hoạt động được nâng cao. 

Các nhiệm vụ đề ra trong Chương trình 14 cơ bản được quan tâm thực hiện triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, gắn với công tác tư pháp, công tác Hội và các chương trình, đề án về PBGDPL, TGPL, TVPL, HGCS cho phụ nữ. Đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL, TGPL, TVPL, HGOCS cho phụ nữ được củng cố chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng ngày một tốt hơn các mảng công việc liên quan.

Sự tham gia của cán bộ, hội viên, phụ nữ trong các hoạt động PBGDPL, TVPL, TGPL, HGOCS ngày càng tăng về số lượng, chất lượng và đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Các hoạt động PBGDPL, TGPL, TVPL, HGCS cho các nhóm phụ nữ được chú trọng, đặc biệt nhóm phụ nữ đặc thù ở vùng sâu, vùng xa, các đối tượng chính sách, miền núi, miền biển. 

Tại buổi lễ, trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được, Lãnh đạo 2 cơ quan đã thống nhất các nội dung phối hợp cụ thể giai đoạn 2018-2022, tập trung vào các hoạt động như phối hợp thực hiện công tác PBGDPL, HGOCS; phối hợp thực hiện công tác TVPL, TGPL; thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật; phối hợp bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ HLHPN Việt Nam và ngành Tư pháp; phối hợp tham gia giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách và góp ý, tham gia xây dựng pháp luật.

Chương trình mới cũng thống nhất phân công trách nhiệm cụ thể cho các bên trong triển khai thực hiện, đồng thời giao Vụ PBGDPL, Ban Chính sách – Luật pháp là các đơn vị đầu mối, thường trực giúp Lãnh đạo hai cơ quan trong tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện Chương trình phối hợp. 

Chủ tịch Hội Nguyễn Thị Thu Hà nhận định, 5 năm vừa qua, Chương trình phối hợp đã đạt nhiều kết quả với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, trực tiếp tác động chị em phụ nữ ở cơ sở và cộng đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát sinh nhiều vấn đề mới, đặc biệt tội phạm phụ nữ, trẻ em có xu hướng gia tăng như tỷ lệ bị can là phụ nữ chỉ chiếm 8,4% năm 2012 thì năm 2016 tăng lên 11%; phụ nữ cũng có mặt trong hầu hết các tội phạm, có cả những tội phạm không phù hợp với chuẩn mực (đánh bạc), hay do cả tin nên dễ bị lôi kéo dẫn đến vi phạm pháp luật.

Thời gian qua, hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện hơn, HLHPN được giao chức năng giám sát phản biện, đại diện cho phụ nữ nhưng vấn đề tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đại diện cho phụ nữ còn lúng túng. Trên cơ sở đó, bà Hà đề xuất một số công việc cần triển khai và tin tưởng với quyết tâm của hai ngành, Chương trình mới sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công.

Thống nhất cao với đánh giá tình hình trên, Bộ trưởng Lê Thành Long nhận thấy nội dung phối hợp giữa hai cơ quan ngày càng được mở rộng. Riêng với Chương trình giai đoạn năm 2018 – 2022, hai bên phối hợp trong bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ Hội và tham gia giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách và góp ý tham gia xây dựng pháp luật.

Khẳng định những kết quả trong phối hợp đều đem lại lợi ích cho cả hai cơ quan, Bộ trưởng dẫn chứng, trong công tác thẩm định, Bộ Tư pháp phải đánh giá lồng ghép giới nên qua phối hợp với HLHPN, Bộ Tư pháp cũng thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình. Cùng với đó, Bộ trưởng cam kết Bộ Tư pháp sẽ thực hiện tốt công tác phối hợp, khắc phục những bất cập vừa qua để có bước tiến mới chất hơn, hiệu quả hơn, theo đúng mục tiêu ký kết, tạo điều kiện và cơ hội để cán bộ, hội viên phụ nữ nói riêng và phụ nữ nói chung thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm của mình trong gia đình và xã hội.

Đọc thêm