Tập trung mọi nguồn lực triển khai Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc

(PLO) - Đây là một trong những giải pháp được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh tại Hội nghị công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 – 2024 (sau đây gọi là Chương trình) diễn ra sáng qua (16/6) với sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc.
Tập trung mọi nguồn lực triển khai Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định công tác đăng ký và quản lý hộ tịch là nhiệm vụ quản lý nhà nước quan trọng của mỗi quốc gia bởi đây không chỉ là nguồn thông tin đầu vào cho các quyết định, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của đất nước mà còn góp phần bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp.

Thời gian qua, công tác đăng ký và thống kê hộ tịch đã được Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm với nhiều chính sách, thể chế nhất quán và đang dần hoàn thiện qua từng thời kỳ. Sau hơn 2 năm triển khai Luật Hộ tịch năm 2014, công tác đăng ký, quản lý hộ tịch đã dần được chuyên nghiệp hóa, đội ngũ cán bộ làm công tác này đã được chú trọng tăng cường, qua đó giúp người dân làm các thủ tục đăng ký một cách dễ dàng, thuận tiện và nhanh chóng.

Bộ trưởng nhấn mạnh việc công bố và phê duyệt Chương trình hành động là một trong những hoạt động thiết thực nhằm tích cực triển khai Khung hành động của Hội nghị cấp Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP) về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 – 2024, trong đó Bộ Tư pháp giữ vai trò chủ trì.

Do đây là chương trình được thực hiện trong thời gian dài, liên quan đến trách nhiệm nhiều bộ, ngành, địa phương nên muốn triển khai hiệu quả, Ban Chỉ đạo cần tập trung vào các giải pháp nâng cao năng lực, chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ, tránh tình trạng “bố trí” công chức, hạn chế kiêm nhiệm để không bị quá tải; đẩy nhanh nguồn lực xây dựng, triển khai Đề án Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, đặc biệt là việc chuyển đổi dữ liệu từ sổ giấy sang điện tử, thống kê chính xác tỷ lệ khai sinh, khai tử trên từng địa bàn và toàn quốc.

Theo đánh giá của ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Liên Hợp quốc, triển khai Chương trình hành động sẽ góp phần quan trọng để xây dựng nguồn dữ liệu về dân số được đầy đủ, chính xác và hoàn thiện. Qua đó, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ bảo trợ xã hội như giáo dục, y tế cho người dân cũng như thúc đẩy thực hiện các chính sách phát triển của quốc gia, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc.

Hoan nghênh Việt Nam là nước tiên phong triển khai Khung hành động của khu vực châu Á – Thái Bình Dương về công tác hộ tịch, ông Hong Pum Thomas Chung, đại diện UNESCAP nhìn nhận đây là Chương trình hành động ý nghĩa và thiết thực, góp phần giảm bớt sự khác biệt trong xã hội, đảm bảo mọi người dân, đặc biệt là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương hoặc yếu thế không bị bỏ lại phía sau. Muốn vậy, Việt Nam cần tiếp cận, đánh giá về công tác hộ tịch một cách toàn diện, đồng thời tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức cũng như nâng cao nhận thức của người dân về công tác này.

Giới thiệu tổng quát về Chương trình, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực Nguyễn Công Khanh nêu rõ mục tiêu chính mà Chương trình hướng tới là bảo đảm các sự kiện hộ tịch của công dân Việt Nam, người nước ngoài cư trú trên lãnh thổ Việt Nam, công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài được đăng ký kịp thời, đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật; nâng cao tỷ lệ đăng ký hộ tịch, tập trung vào tỷ lệ đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử. Đồng thời bảo đảm mọi người dân đều được cấp giấy tờ hộ tịch (đặc biệt là cấp Giấy khai sinh, Trích lục khai tử), có đầy đủ nội dung, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Về công tác thống kê, Chương trình nhằm đảm bảo số liệu đăng ký hộ tịch được tổng hợp đầy đủ, chính xác, kịp thời, có các chỉ tiêu cơ bản theo thông lệ quốc tế; được công bố công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu của tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật. Cùng với đó, thiết lập cơ chế phối hợp thống nhất giữa các ngành có liên quan, từ trung ương đến địa phương, bảo đảm hoạt động đăng ký, thống kê hộ tịch có chất lượng, hiệu quả, số liệu thống kê thống nhất, chính xác.

Nêu bật sự quan tâm, đồng hành sát sao của Chính phủ và bạn bè quốc tế với công tác hộ tịch trong suốt thời gian qua, song Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc vẫn tỏ ra lo ngại bởi nhận thức của nhiều cá nhân, tổ chức về công tác này còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ. Do vậy, để Chương trình hành động được triển khai hiệu quả, Thứ trưởng cho rằng cần thiết tuyên truyền, phổ biến về các nhiệm vụ mà Chính phủ đã đưa vào Chương trình, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế để nâng cao nhận thức của toàn xã hội và giúp người dân được thụ hưởng tối đa các lợi ích mà Chương trình này đem lại.

Ông Phùng Minh Cương, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế: Khắc phục tình trạng tính toán thủ công trong thống kê sinh, tử

Việc ứng dụng CNTT tại các cơ sở y tế còn chậm và manh mún, hầu hết các cơ sở tuyến huyện, tỉnh sử dụng phần mềm Excel để thu thập và tổng hợp báo cáo, nhiều trạm y tế vẫn phải sử dụng công cụ tính toán thủ công. Một số bệnh viện huyện, tỉnh và trung ương tuy đã có phần mềm quản lý nhưng giữa các phân hệ phần mềm không tương thích nên không thể kết nối được với nhau. Mặt khác, do nước ta chưa có mã số định danh cho từng người nên cũng gây khó khăn trong việc tổng hợp số liệu sinh phân theo tuổi mẹ và số liệu tử vong, nguyên nhân tử vong phân theo tuổi, giới và vùng địa lý. Do vậy, thời gian tới Bộ Y tế sẽ tăng cường chú trọng cải thiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại các cơ quan y tế có chức năng thu thập dữ liệu sinh, tử nhằm hiện đại hóa phương thức thu thập, thống kê và phân tích số liệu.

Ông Nguyễn Triều Lưu, Trưởng phòng Hộ tịch – quốc tịch, Sở Tư pháp TP HCM: Tạo điều kiện tối đa cho người dân đăng ký hộ tịch

Do tình trạng thay đổi nhân sự thường xuyên tại một số phường, xã, thị trấn vẫn còn tồn tại nên khiến đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch chuyên trách hoặc quá tải công việc hoặc công chức mới chưa có thời gian đầu tư, nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng giải quyết hồ sơ đăng ký và thống kê hộ tịch. Mặt khác, một bộ phận người dân không quan tâm đến quyền và nghĩa vụ đăng ký hộ tịch, nhất là những người lao động di dân tự do dẫn đến tình trạng trẻ em sinh ra không được đăng ký khai sinh, nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn, người chết không được đăng ký khai tử.

Để cải thiện tình trạng trên, cần tăng cường công tác tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp, ngành Y tế, Tòa án… và người dân, tổ chức, đơn vị liên quan về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đăng ký và thống kê hộ tịch. Cùng với đó, cần tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân để khuyến khích họ đăng ký hộ tịch một cách đầy đủ, kịp thời.

Ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Dữ liệu thống kê hộ tịch chưa đồng chất

Hiện nay, do chưa có cơ sở dữ liệu điện tử trong công tác đăng ký hộ tịch nên không thể tiến hành tính toán và phân tích sâu với các chỉ tiêu về sinh, tử, kết hôn từ nguồn dữ liệu đăng ký hộ tịch. Các chỉ tiêu về sinh, tử, kết hôn hầu như dựa vào dữ liệu điều tra trong khi hầu hết các quốc gia phát triển các chỉ tiêu này đều tính toán trên cơ sở nguồn đăng ký hộ tịch. Ngoài ra, một số chỉ tiêu thống kê được tính toán dựa trên một phần dữ liệu từ hệ thống đăng ký hộ tịch, một phần từ dữ liệu thống kê nên có thể dẫn đến sự không đồng chất về dữ liệu.

Muốn tháo gỡ những vướng mắc trên, cần sớm xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử hộ tịch cũng như tăng cường phối kết hợp và chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành trong công tác thống kê hộ tịch. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần tiếp tục nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật nói chung và Luật Thống kê nói riêng để quá trình xây dựng các chỉ tiêu, phân tích nguồn dữ liệu, tổng hợp báo cáo thống kê… luôn đảm bảo chất lượng.

Ông Đoàn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp Lâm Đồng: Khảo sát thực tế để số liệu thống kê không “vênh” so với thực tế

Do địa hình phức tạp, đi lại nhiều bất tiện nên công tác đăng ký hộ tịch ở Lâm Đồng còn gặp nhiều hạn chế, xảy ra tình trạng một số người dân có tâm lý ngại và không đi đăng ký khai sinh. Ngoài ra, một số người vẫn sử dụng giấy đăng ký khai sinh từ trước năm 1975 mà không đăng ký lại khiến các cán bộ gặp khó khăn trong công tác quản lý thống kê hộ tịch. Vì vậy, cần thiết tiến hành một cuộc khảo sát thực tế để đảm bảo số liệu thống kê không bị “vênh” so với thực tiễn.

Ông Nguyễn Hùng Tiến, Giám đốc Sở Tư pháp Ninh Bình: Sớm giải quyết bài toán về nhân lực và nguồn lực

Do lực lượng làm công tác hộ tịch còn mỏng, mỗi xã chỉ có 1 hoặc 2 cán bộ, trình độ lại không đồng đều cùng với kinh phí eo hẹp nên việc triển khai các chương trình, kế hoạch về công tác hộ tịch còn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Bởi vậy, thời gian tới hy vọng Bộ Nội vụ sẽ có sự phân bổ biên chế hợp lý cho ngành Tư pháp nhằm giảm bớt gánh nặng công việc còn các bộ, ngành, địa phương cần tận dụng tối đa mọi hỗ trợ về nguồn lực của Chính phủ cũng như tranh thủ các nguồn lực xã hội hóa khác để có kinh phí triển khai hiệu quả các mục tiêu mà Chương trình hành động đã đề ra.

Đọc thêm