Thiếu đồng bộ trong quy định phân chia, xử lý tài sản chung

(PLO) - Quy định pháp luật về tài sản chung của vợ, chồng và tài sản của hộ gia đình hiện nay được quy định tại nhiều luật khác nhau như: Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Đất đai năm 2013, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014… Tuy nhiên, còn nhiều quy định chưa thống nhất, gây khó khăn cho cơ quan thi hành án dân sự (THADS) trong việc kê biên, phân chia xử lý tài sản chung của người phải thi hành án.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Dễ phát sinh tranh chấp khi kê biên tài sản chung

Thời gian qua, thay vì cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) mang tên vợ, chồng thì các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai lại cấp giấy chứng nhận QSDĐ ghi là “hộ ông” hoặc “hộ bà” dẫn đến khó xác định QSDĐ đó của vợ chồng hay của hộ gia đình.

Nhiều trường hợp QSDĐ là tài sản chung của vợ chồng nhưng khi chấp hành viên (CHV) thực hiện việc cưỡng chế kê biên phần tài sản của vợ hoặc chồng để thi hành án thì phát sinh khiếu nại, tranh chấp cho rằng đấy là tài sản chung của hộ gia đình bao gồm tất cả các thành viên trong hộ. 

Do đó, đòi hỏi CHV phải xác minh chính xác thời điểm kết hôn, nguồn gốc của tài sản (thừa kế, tặng cho, nhận chuyển nhượng hoặc được Nhà nước cấp…) và tại thời điểm đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác lập quyền sở hữu, QSDĐ thì đó là tài sản của hộ gia đình hay tài sản chung của vợ chồng. Trường hợp cần thiết, CHV phải thông báo rõ để những đồng sở hữu biết quyền được khởi kiện yêu cầu Tòa phân chia tài sản.

Đối với việc kê biên tài sản chung có tranh chấp thì hiện nay chưa có quy định cụ thể về thời gian Tòa án thụ lý giải quyết, nếu đợi Tòa giải quyết đưa vụ án ra xét xử hoặc hòa giải thành thì thời gian thi hành án sẽ bị kéo dài. Do đó, cần bổ sung quy định về thời gian giải quyết vụ việc có tranh chấp liên quan đến việc tổ chức thi hành án do đương sự khởi kiện hoặc CHV có yêu cầu.

Nên bỏ cơ chế cho CHV được phân chia tài sản chung 

Trong thực tiễn áp dụng pháp luật hiện có sự không thống nhất giữa Luật THADS và văn bản hướng dẫn thi hành Luật trong việc xác định, phân chia, xử lý tài sản chung. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 74 Luật THADS năm 2014 quy định: Trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần QSDĐ của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì CHV phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, QSDĐ biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. 

Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận vi phạm quy định tại Điều 6 của Luật này hoặc thỏa thuận không được và không yêu cầu Tòa án giải quyết thì CHV thông báo cho người được thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần QSDĐ của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.

Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu Tòa án giải quyết thì CHV yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần QSDĐ của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự. CHV xử lý tài sản theo quyết định của Tòa án.  

Như vậy, nếu đương sự không thỏa thuận, không yêu cầu Tòa án giải quyết thì CHV yêu cầu Tòa án giải quyết. Tuy nhiên, theo điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung của vợ, chồng thì CHV xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và thông báo cho vợ, chồng biết.

Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, QSDĐ chung của hộ gia đình thì CHV xác định phần sở hữu, sử dụng theo số lượng thành viên của hộ gia đình tại thời điểm xác lập quyền sở hữu tài sản, thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận QSDĐ, nhận chuyển QSDĐ. CHV thông báo kết quả xác định phần sở hữu, sử dụng cho các thành viên trong hộ gia đình biết. 

Trường hợp vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình không đồng ý với việc xác định của CHV thì có quyền yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ.

Hết thời hạn này mà không có người khởi kiện thì CHV tiến hành kê biên, xử lý tài sản và trả lại cho vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của họ.  

Theo đó, CHV sẽ tiến hành tự phân chia tài sản chung của vợ chồng, hộ gia đình trong trường hợp đương sự không thỏa thuận, không yêu cầu Tòa án giải quyết là mâu thuẫn với Điều 74 Luật THADS nêu trên.

Tuy nhiên, việc quy định CHV tiến hành tự phân chia tài sản chung của vợ chồng, hộ gia đình theo điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP nêu trên gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện vì chưa quy định cho CHV phân chia tài sản của vợ chồng, hộ gia đình theo cơ chế nào. CHV có được đầy đủ quyền hạn của Thẩm phán Tòa án để áp dụng pháp luật tố tụng dân sự, hôn nhân gia đình để xác định phần sở hữu trong khối tài sản chung hay không.

Việc CHV tự phân chia tài sản chung trong khi chưa có cơ chế bảo vệ, thực hiện, gây khó khăn trong quá trình thực hiện và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Vì vậy, cần bãi bỏ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định nêu trên để thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật THADS.

Đọc thêm