Thực thi nghiêm các biện pháp xử lý trách nhiệm trong thi hành án hành chính

(PLO) - Thực tiễn thi hành án hành chính (THAHC) hiện nay còn nhiều ngổn ngang, tình trạng bản án hành chính có hiệu lực nhưng không được thi hành hoặc thi hành không hiệu quả đã gây nên tâm lý bất an cho các bên. Do đó, việc tham khảo kinh nghiệm thi hành án của các nước trên thế giới là rất cần thiết để có thể rút ra kinh nghiệm hoàn thiện cơ chế THAHC Việt Nam trong thời gian tới.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, việc nghiên cứu, đổi mới mô hình tổ chức thi hành án theo hướng tập trung, thống nhất là cần thiết bởi Luật Tố tụng Hành chính năm 2015 (TTHC) đã có quy định cụ thể về THAHC (từ Điều 309 đến Điều 315).

Trong đó, bao gồm các nội dung như đối tượng thi hành án; trách nhiệm giải thích bản án, quyết định của Tòa án trong việc thi hành; cách thức thi hành bản án, quyết định của Tòa án với các phương thức như: tự nguyện thi hành và nếu không tự nguyện thi hành; thời hạn yêu cầu Tòa án buộc thi hành; kiểm sát THAHC.

Điều 312 Luật TTHC quy định cụ thể việc “Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và xử lý trách nhiệm của người phải thi hành án theo quy định của pháp luật. Quyết định buộc thi hành án cũng phải gửi cho cơ quan thi hành án dân sự nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm để theo dõi việc THAHC theo quyết định của Tòa án”. 

Ngoài ra, Nghị định 71/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 quy định về thời hạn, trình tự, thủ tục THAHC và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của tòa án đã có quy định tương đối cụ thể chi tiết về các vấn đề liên quan đến THAHC.

Đặc biệt, Nghị định đã quy định chi tiết các loại trách nhiệm pháp lý đối với cá nhân, cơ quan chịu trách nhiệm THAHC mà không thi hành hoặc chậm trễ thi hành bao gồm: trách nhiệm kỷ luật, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự và trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu việc không thi hành có nguy cơ gây thiệt hại cho các đối tượng liên quan.

Dù đã có các quy định cụ thể nêu trên song thực tế việc THAHC vẫn chậm trễ hoặc có trường hợp không được thi hành. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng đó là do nước ta vẫn có xu hướng khuyến khích tự nguyện thi hành án.

Nếu không tự nguyện, trong trường hợp phải xử lý trách nhiệm thì thẩm quyền áp dụng các biện pháp kỷ luật là cơ quan hành chính hoặc cấp trên của cơ quan đó; nếu là trách nhiệm hình sự thì Bộ luật Hình sự chỉ quy định trách nhiệm của cá nhân. Do đó, việc thực thi các biện pháp xử lý trách nhiệm chưa thực sự nghiêm, phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả THAHC.

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tại Pháp, tất cả các bên phải thi hành bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà không thể đưa ra bất kỳ lý do nào để lẩn tránh nghĩa vụ này. Có một số biện pháp THAHC được quy định trong luật của Pháp là: trao quyền cho Tòa án, trao quyền cho Cơ quan trung gian giải quyết khiếu nại, các biện pháp lập pháp. Trong đó, cơ chế Cơ quan trung gian giải quyết khiếu nại hoạt động khá hiệu quả trong thực tiễn.

Cụ thể, Cơ quan này được thành lập nhằm đưa ra cách giải quyết hợp lý đối với khiếu nại của công dân trong thời hạn ngắn hơn so với Tòa án hành chính, được trao quy chế độc lập và khá nhiều nhiệm vụ. Trong trường hợp không thực hiện quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án, cơ quan này có thể buộc cơ quan liên quan phải thực hiện quyết định đó trong thời hạn do mình ấn định, nếu không thì việc không thi hành quyết định của tòa án được ghi nhận trong một báo cáo đặc biệt đăng trên công báo.

Còn Nhật Bản đã trao quyền xét xử hành chính cho Tòa án từ những năm đầu của thế kỷ 19. Theo đó, thẩm quyền của tòa hành chính được thay đổi theo kinh nghiệm của các nước châu Âu và sau này là Mỹ. Tuy nhiên, về thi hành bản án, quyết định của tòa hành chính, quan điểm của Nhật Bản là xác định trách nhiệm tự giác của cơ quan hành chính nhà nước – chủ thể phải thi hành án.

Còn Trung Quốc quy định nếu cơ quan phải thi hành bản án, quyết định của Tòa án mà không thi hành thì sẽ bị xử phạt tùy theo mức độ mà bị phạt nặng hay nhẹ. Hoặc theo kinh nghiệm của Australia,  trường hợp cố tình vi phạm có thể bị coi là khinh tội và áp dụng truy cứu trách nhiệm hình sự.

Từ kinh nghiệm quốc tế, có thể rút ra bài học cho Việt Nam là ưu tiên tinh thần tự giác của chủ thể quản lý hành chính trên cơ sở chức năng của mình, tuy nhiên cần trao quyền cho Tòa án trong việc ra quyết định cưỡng chế THAHC. Như vậy, việc THAHC sẽ có hiệu quả cao hơn và đảm bảo tính nghiêm minh của các phán quyết của tòa án, góp phần bảo vệ một cách thực chất quyền con người, quyền công dân. 

Đọc thêm