Tiếp nhận gần 6.000 thông tin lý lịch tư pháp qua công tác tương trợ tư pháp

(PLO) - Theo kết quả tổng hợp từ VKSNDTC và Bộ Tư pháp, cho đến nay Việt Nam đã tham gia ký kết các điều ước quốc tế (hiệp định) về hình sự song phương với 17 quốc gia, tham gia 16 điều ước quốc tế đa phương và đang đàm phán/chuẩn bị ký kết song phương với 6 quốc gia. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trên cơ sở những Công ước quốc tế, Hiệp định tương trợ tư pháp và nguyên tắc có đi có lại về hình sự đã được Việt Nam ký kết hoặc tham gia, trong đó có nội dung về trao đổi thông tin cho nhau những bản án, trích lục bản án, trích lục án tích, lý lịch tư pháp (LLTP)..., VKSNDTC và các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài đã có sự phối hợp, trao đổi thông tin của công dân Việt Nam bị Tòa án nước ngoài kết án và người nước ngoài bị Tòa án Việt Nam kết án trao đổi, cung cấp cho nhau. 

Từ khi thực hiện Luật LLTP năm 2009 đến hết năm 2016, Bộ Tư pháp đã tiếp nhận tổng số 5.991 thông tin LLTP là các án tích, trích lục án tích, LLTP của các quốc gia như Séc, Nga, Slovakia, Ba Lan, Hungari. Ở chiều ngược lại, theo đề nghị của VKSNDTC, Bộ Tư pháp cũng phối hợp cung cấp 149 thông tin LLTP của công dân 6 quốc gia: Vương quốc Anh, Bungari, Lào, Nga, Séc, Trung Hoa cho VKSNDTC để trao đổi, cung cấp cho các quốc gia liên quan.

Trung tâm LLTP quốc gia nhận định, các thông tin về án tích do phía nước ngoài cung cấp cho Việt Nam là một trong những nguồn thông tin quan trọng về án tích của công dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài để Bộ Tư pháp (Trung tâm LLTP quốc gia) xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP và khai thác, sử dụng trong công tác cấp phiếu LLTP.

Bên cạnh đó, công tác trao đổi cung cấp thông tin giữa Bộ Tư pháp và VKSNDTC về thông tin LLTP cũng đã đi vào nền nếp, ổn định góp phần quan trọng vào củng cố, xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP. Thông qua hoạt động này, các thông tin về án tích của công dân Việt Nam được cập nhật tương đối kịp thời, đầy đủ, chính xác, góp phần đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng để phục vụ công tác cấp phiếu LLTP cho công dân và phục vụ yêu cầu của các cơ quan tố tụng.

Tuy nhiên, Trung tâm LLTP quốc gia cho biết, thực tiễn công tác phối hợp cung cấp thông tin LLTP của công dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài mà các cơ quan chức năng nói chung vẫn đang gặp phải những vướng mắc. Đáng chú ý là hoạt động cung cấp, trao đổi thông tin còn hạn chế mà những con số trên là minh chứng rõ ràng. Theo đó, VKSNDTC mới cung cấp thông tin LLTP của 5 quốc gia cho Bộ Tư pháp, còn Bộ Tư pháp mới cung cấp thông tin về LLTP của 6 quốc gia cho VKSNDTC.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và hoạt động cung cấp, trao đổi thông tin cũng như thắt chặt hơn nữa mối quan hệ phối hợp giữa VKSNDTC và Bộ Tư pháp, một trong những giải pháp được đề xuất là tăng cường trao đổi, ký kết, gia nhập các điều ước quốc 

tế liên quan đến lĩnh vực tương trợ tư pháp hình sự, trong đó có nội dung về trao đổi, cung cấp thông tin nói chung và thông tin về LLTP nói riêng, nhất là các quốc gia có công dân Việt Nam đang sinh sống và học tập có số lượng đông, tình hình tội phạm có yếu tố nước ngoài liên quan đến Việt Nam diễn biến phức tạp.

Ngoài ra, đối với việc cung cấp thông tin LLTP, cụ thể là các trích lục bản án, trích lục án tích, LLTP… của công dân Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp, VKSNDTC cần tăng cường liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, đặc biệt là các nước đã tham gia ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự về việc cung cấp thông tin LLTP của công dân Việt Nam bị kết án tại các nước đó và kịp thời cung cấp cho Bộ Tư pháp theo quy định.

Đọc thêm