Tổng cục Hải Quan: Buôn bán ma túy nay được tính bằng tấn

(PLVN) - Ngày 25/4, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã tổ chức họp báo chuyên đề thông tin về kết quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Quý I năm 2019 và giải pháp trọng tâm thời gian tới với sự chủ trì của Chánh Văn phòng Thường trực BCĐ 389 Đàm Thanh Thế.
Tổng cục Hải Quan: Buôn bán ma túy nay được tính bằng tấn

Quý I năm 2019, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện bắt giữ, xử lý 33.549 vụ việc vi phạm (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018), thu nộp NSNN đạt gần 2.500 tỷ đồng, khởi tố 820 vụ, 982 đối tượng.

Quý I năm 2019, trùng với thời điểm Tết Nguyên đán, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có diễn biến phức tạp do nhu cầu hàng hóa ngoại nhập phục vụ tăng cao. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Tại tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, các đối tượng chủ yếu lợi dụng sơ hở trong công tác tuần tra, kiểm soát biên giới của các lực lượng chức năng để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Trên tuyến hàng không, bưu điện quốc tế, thủ đoạn phổ biến vẫn là cất giấu hàng hóa trong hành lý mang theo khi nhập cảnh, thuê người có hoàn cảnh khó khăn vận chuyển, lợi dụng chính sách để buôn hàng cấm và hàng nhập khẩu có điều kiện.

Chánh Văn phòng Thường trực BCĐ 389 Đàm Thanh Thế thông tin tại buổi họp báo
Chánh Văn phòng Thường trực BCĐ 389 Đàm Thanh Thế thông tin tại buổi họp báo
Còn trong thị trường nội địa, tình trạng buôn bán, tiêu thụ, vận chuyển trái phép các loại hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hứu trí tuệ, vi phạm về niêm yết giá bán hàng, kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ còn xảy ra phổ biến. Trong đó, chủ yếu là đối với nhóm các mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao.

Tại cuộc họp báo, đại diện Ban chỉ đạo và các ngành liên quan đã trả lời các câu hỏi mà đại diện các cơ quan báo chí quan tâm như: thủ đoạn các đối tượng buôn lậu trên đường biển thường sử dụng; giải pháp nào để xử lý tình trạng hàng giả trong thị trường nội địa hiện nay; công tác phối hợp giữa các ngành để phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc “nóng”...

Trao đổi ngay tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Khánh Quang, Phó cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan nhấn mạnh về tình trạng gian lận thương mại đang diễn ra rất phức tạp, không có dấu hiệu thuyên giảm. Theo ông , tháng 3/2019 vừa rồi là quãng thời gian rất “nóng”, tội phạm buôn lậu không hề nghỉ ngơi, mức độ vi phạm nghiêm trọng chưa từng thấy, nhất là lĩnh vực ma túy, các sản phẩm từ động vật hoang dã và thuốc lá, nhiều vụ với quy mô cực lớn.

“Nếu như trước đây ma túy chỉ tính bằng gram thì nay tính bằng tấn, tội phạm ma túy hoạt động ở mức độ kinh khủng khiếp” - Phó cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu đã phải thốt lên như vậy. Ông Quang cũng cho rằng trước đây tội phạm về buôn lậu, hàng cấm xảy ra ở một vài địa điểm thì nay diễn ra tràn lan trên khắp các địa bàn. Lực lượng hải quan đã có rất nhiều cố gắng, chung tay cùng các ngành phát hiện, triệt phá được nhiều vụ việc lớn.

Còn trên tuyến biển, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng như: xăng, dầu, than, pháo nổ, thuốc lá… xảy ra phức tạp, trọng điểm tại các vùng Đông Bắc, biển Miền Trung và vùng biển phía Nam. Vi phạm chủ yếu là không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc hàng hóa, việc mua bán xảy ra ở khu vực biển giáp ranh giữa Việt Nam và nước ngoài. Tình hình vận chuyện trái phép hàng hóa nằm trong Danh mục Cites như: cá thể tê tê, vảy tê tê, ngà voi… có chiều hướng gia tăng.

Chia sẻ thêm, ông Trần Văn Nam, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và pháp luật, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển nhận định việc phát hiện, bắt giữ và xử lý các vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng trên đường biển hết sức khó khăn bởi các đối tượng thường chống đối quyết liệt, không cung cấp hồ sơ về tàu, thuyền viên, hàng hóa; trong nhiều trường hợp ngôn ngữ còn bất đồng nên rất khó khăn để xử lý.

Trên cơ sở các kết quả đã đạt được, quý II năm 2019, BCĐ 389 Quốc gia tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục nắm tình hình, kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Theo đó, BCĐ 389 xây dựng một số kế hoạch chuyên đề, trọng điểm như: Kế hoạch tăng cường công tác phòng, chống việc lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ; Kế hoạch chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới khu vực biên giới Việt Nam – Campuchia; Kế hoạch chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng theo Chỉ thị 17 của Thủ tướng Chính phủ…

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác truyền thông và phổ biến pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; giao chỉ tiêu cụ thể cho các lực lượng chức năng, tập trung công tác triệt xóa tuyến, địa bàn, tụ điểm, các đường dây, ổ nhóm… Đặc biệt, cần sửa đổi, bổ sung các quy định còn sở hở thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành để hỗ trợ lực lượng chức năng nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian tới. 

Đọc thêm