Tránh áp dụng cứng nhắc các quy định trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

(PLO) -Sáng qua (13/12), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã chủ trì Hội thảo “Hoàn thiện quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) ở Trung ương”. Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến cùng đại diện lãnh đạo đến từ các bộ, cơ quan ngang bộ cùng tham dự.
 
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu (phải) chủ trì Hội thảo
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu (phải) chủ trì Hội thảo

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nêu rõ, Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 có hiệu lực từ 1/6/2016, có nhiều nội dung tư tưởng mới, nhiều quy định mới liên quan đến quy trình xây dựng VBQPPL ở trung ương và địa phương. Sau 1,5 năm triển khai thi hành, các quy định của Luật đã được thực hiện tương đối bài bản, các bộ, ngành đã tổ chức được nhiều lớp tập huấn chuyên sâu. Với vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực pháp luật, Bộ Tư pháp đã theo dõi, đôn đốc, kiểm tra sát sao việc thi hành Luật, đồng thời kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để áp dụng thống nhất các quy định. Nhờ vậy, chất lượng văn bản ban hành từng bước được nâng cao, phát huy tối đa tác dụng các quy định của Luật này.

Qua theo dõi và báo cáo của các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương, Bộ Tư pháp nhận thấy còn nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thi hành Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 như: áp dụng quy định về quy trình ban hành văn bản còn nhiều lúng túng; thực hiện quy trình còn mang tính hình thức, chất lượng chưa cao, chưa phát huy đầy đủ hiệu quả; tiến độ xây dựng văn bản còn chậm, cản trở sự điều hành thông suốt của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương; chưa chú trọng nâng cao chất lượng văn bản…

Thứ trưởng cũng chỉ ra nguyên nhân chủ yếu dẫn tới thực trạng trên đó là chưa có sự nhận thức đầy đủ về vai trò và tầm quan trọng của việc xây dựng VBQPPL nói chung, xây dựng chính sách nói riêng; năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu nên công tác tham mưu cho bộ, cơ quan ngang bộ cũng như địa phương còn hạn chế; vận dụng một số quy định mới còn lúng túng và cứng nhắc… Do vậy, Hội thảo được tổ chức nhằm tập trung đánh giá kết quả thực hiện Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 để có nghiên cứu, phân tích nguyên nhân, đề xuất hướng khắc phục, từ đó tiếp tục hoàn thiện Luật này, Nghị định 34/2016/NĐ-CP cùng các văn bản pháp luật liên quan để tổ chức, thi hành đạt hiệu quả tốt nhất. 

Theo ông Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng pháp luật là phải vừa phát huy được hết trách nhiệm và sức sáng tạo của các chủ thể có thẩm quyền ban hành pháp luật, mặt khác phải xây dựng được một cơ chế đảm bảo được quyền lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực này. Theo đó, thể chế của cơ chế đảm bảo lãnh đạo của Đảng trong xây dựng pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng bởi đây là các quy định đảm bảo cho đường lối, chủ trương lãnh đạo của Đảng được thể chế hóa thành pháp luật, có hiệu lực thi hành trên quy mô toàn bộ xã hội.

Còn thiết chế của cơ chế đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng là các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc ban hành VBQPPL. Các cơ quan, tổ chức này phải có trách nhiệm đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong các công đoạn của quy trình ban hành VBQPPL. Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 đã có nhiều quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các thiết chế như Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các bộ, ngành và chính quyền địa phương trong các công đoạn của quy trình xây dựng pháp luật. 

Nhấn mạnh tới mục tiêu hàng đầu của quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 là bảo đảm chất lượng, tính khả thi của văn bản và mục tiêu chiến lược là hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, ông Nguyễn Phước Thọ, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho rằng Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 vẫn chưa phân biệt rõ ràng giữa quy trình lập pháp và quy trình lập quy, khiến trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành VBQPPL trở nên rườm rà, phức tạp. Không những vậy, điều này còn ảnh hưởng đến tư duy, nhận thức và thực tiễn phân định thẩm quyền quy định, phạm vi điều chỉnh trong những vấn đề cụ thể giữa luật, pháp lệnh và VBQPPL của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo nhận định của đại diện đến từ Vụ Pháp chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy trình đánh giá tác động chính sách theo Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 và Nghị định 34/2016/NĐ-CP có nhiều điểm mới, đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng mới chỉ có các quy định mang tính nguyên tắc, thiếu cụ thể nên gây khó khăn trong quá trình xây dựng chính sách. Do đó, cần quy định cụ thể hơn, cần thiết có thể xây dựng các sổ tay nghiệp vụ về đánh giá tác động chính sách. Không những vậy, Luật còn quy định không được quy định thủ tục hành chính trong Thông tư của Bộ trưởng trừ trường hợp được giao trong Luật.

Thực tế, nhiều luật được ban hành trước khi Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 có hiệu lực, nên để thực hiện nhiệm vụ Luật giao buộc phải quy định các thủ tục hành chính. Do vậy, cần sớm tháo gỡ vướng mắc này để phát huy hiệu lực quản lý nhà nước, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh.

Đọc thêm