Triển khai thực hiện Điều lệ Liên đoàn Luật sư: Nhiều quy định vẫn “vướng”

(PLO) - Tại Hội thảo triển khai thực hiện Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức sáng qua (24/9) tại Hà Nội, bên cạnh những thắc mắc liên quan đến các mức phí, nhiều đại biểu cũng bày tỏ lo lắng khi Điều lệ Liên đoàn luật sư đã có hiệu lực mà Nội quy hoạt động của các Đoàn luật sư vẫn chưa được ban hành.
Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo
“Nhiều Luật sư có thẻ để cho oai”
Cho rằng quy định về khung phí tập sự hành nghề luật sư 1 triệu đồng/người là bất hợp lý, luật sư Phùng Khắc Lợi (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hải Phòng) lý giải: “Thời gian tập sự hành nghề luật sư là 12 tháng, nếu chỉ thu 1 triệu đồng thì e rằng quá thấp. Số tiền này sẽ không đủ chi phí cho giấy, bút, điện, nước”. 
Đồng tình với quan điểm trên, một số ý kiến đề nghị nên tăng mức phí tập sự hành nghề luật sư, nhưng cũng có đại biểu thì cho rằng phí tập sự nên tùy thuộc vào tình hình cụ thể của từng Đoàn, bởi hiện nay có rất nhiều Đoàn luật sư không thu phí tập sự. 
“Theo tôi, nên quy định mức phí tập sự không quá một tháng lương cơ sơ. Như vậy vừa tránh trượt giá, vừa đảm bảo tính khả thi lâu dài”- đại diện Đoàn Luật sư Nghệ An đề nghị.
Đối với phí thành viên (gồm phí thành viên Liên đoàn và phí thành viên Đoàn luật sư), khá nhiều luật sư đề nghị chỉ nên quy định phần “cứng” trích nộp về Liên đoàn (quy định hiện nay là 60.000 đồng/người/tháng), còn phí thành viên Đoàn luật sư thì các Đoàn căn cứ vào mức thu nhập chung của luật sư trong Đoàn để ấn định chứ không nên quy định một con số cụ thể. 
“Nhiều lúc luật sư phải dùng tiền lương hưu để nộp phí. Một số Luật sư có thẻ để cho oai chứ thu nhập không đáng kể, nếu bắt buộc phải nộp từ 120.000 đồng - 400.000 đồng/tháng là quá khó”- Luật sư Phan Trọng Khang - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Yên Bái trần tình. 
Còn đại diện Đoàn Luật sư Nghệ An thì than thở: “Đối với các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, mức phí 400.000 đồng/người/tháng chưa phải là cao, nhưng với Nghệ An chúng tôi thì với mức phí 400.000 đồng, chắc nhiều anh em xin ra khỏi Đoàn”.
Phải thống nhất trong xây dựng Nội quy
Nội quy của Đoàn Luật sư có hiệu lực trong 5 năm (theo nhiệm kỳ của Đại hội luật sư).Tuy nhiên, từ ngày 28/8/2015, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt và chính thức có hiệu lực, cũng từ thời gian đó đến nay, các Đoàn Luật sư chưa có Nội quy để hoạt động (do chưa tổ chức được Đại hội luật sư để thông qua Nội quy Đoàn luật sư). 
“Như vậy có nghĩa là trong thời gian qua chúng ta đang vi phạm pháp luật? Từ nay đến khi có bản Nội quy mới thì các Đoàn luật sư hoạt động bằng cái gì? Phải chăng vì Điều lệ cũ đã hết hiệu lực nên chúng ta vẫn phải áp dụng bản Nội quy cũ? Nếu chưa có Nội quy thì căn cứ vào đâu để thu các khoản tiền, trong khi hầu hết các đơn khiếu nại đều phát sinh từ tiền?”- Luật sư Trần Văn An - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang thắc mắc. 
Luật sư Trần Văn An - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang
 Luật sư Trần Văn An - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang
Từ vướng mắc này, nhiều đại biểu cho rằng, trước mắt trong khi chưa tổ chức được Đại hội luật sư thì sẽ tổ chức Hội nghị bất thường, nếu 2/3 số thành viên tham gia, sẽ thông qua bản Nội quy. Nhưng xây dựng nội dung của bản Nội quy theo tiêu chí nào? Cần có sự thống nhất hay các Đoàn thích thế nào thì xây dựng thế ấy? đó cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của hầu hết các đại biểu.
Theo Luật sư Trần Văn An, Nội quy của các Đoàn luật sư phải có sự thống nhất trong toàn quốc nhưng có xét đến tính chất đặc thù riêng của từng địa phương. “Nói như vậy không có nghĩa là Nội quy mẫu xây dựng một cách cứng nhắc mà phải có hướng mở, để tùy tình tình cụ thể, các Đoàn sẽ có bổ sung quy định cho phù hợp, còn phần khung thì vẫn phải tuân thủ”.
Bên cạnh việc đồng tình với Luật sư An, Luật sư Lê Cao Long (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh) còn đề xuất Liên đoàn Luật sư nên thành lập một Tiểu ban xây dựng bản Nội quy mẫu để định hướng cho các Đoàn  luật sư ban hành Nội quy thống nhất./.

Đọc thêm