Trợ giúp pháp lý Hậu Giang phải là “chỗ dựa” của người yếu thế

(PLVN) - Mới đây, tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị triển khai công tác phối hợp liên ngành về Trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng năm 2019. 

Hội nghị do bà Phạm Thanh Tuyền, Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng chủ trì. Ngoài ra, còn có sự tham gia của lãnh đạo, các phòng ban thuộc Sở Tư pháp, lãnh đạo TAND tỉnh, VKSND tỉnh và các ban ngành, liên quan.

Theo báo cáo, với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng, Sở Tư pháp Hậu Giang đã xây dựng kế hoạch và phối hợp với các ngành liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ TGPL, đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của người dân. 

Nắm bắt được tình hình thực tế, nhiều người dân thuộc diện được trợ giúp chưa hiểu rõ về quyền lợi chính đáng của mình, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Hậu Giang đã không ngừng tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân. Cụ thể đã phát trên 1.500 tờ rơi thông tin về TGPL, lắp đặt 50 bảng thông tin về người được TGPL tại nơi tiếp dân, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện Châu Thành A, huyện Long Mỹ và các xã nghèo trên địa bàn… Qua đó, người dân ngày càng hiểu rõ và sử dụng hiệu quả quyền lợi được trợ giúp của mình. Để công tác TGPL ngày càng hiệu quả, Trung tâm đã không ngừng nâng cao nhận thức và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ Trợ giúp viên. Từ đó khẳng định được vai trò của mình trong công tác tố tụng.


Công tác TGPL là nhiệm vụ trọng tâm bảo vệ quyền con người và để thực hiện công tác này cần có sự phối hợp liên ngành giữa các cơ quan, tổ chức. Trong năm,Cơ quan cảnh sát điều tra hai cấp, VKSND hai cấp, TAND hai cấp đã hướng dẫn, giới thiệu và gửi văn bản yêu cầu TGPL cho 50 trường hợp. Trong đó có trường hợp trợ giúp pháp lý và những vụ tham gia tố tụng.

Bộ Chỉ huy quận sự tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị thường xuyên lồng ghép tuyên truyền Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành qua các buổi sinh hoạt chính trị tại đơn vị, sinh hoạt “Ngày pháp luật” để nâng cao nhận thức pháp luật cho mọi quân nhân và nhân dân khu vực đóng quân về các đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí, nhất là các đối tượng thuộc diện chính sách, người nghèo, trẻ em, người khuyết tật. Bên cạnh đó, phổ biến để những thân nhân của các quân nhân biết được các quy định của pháp luật về TGPL để họ được trợ giúp khi có nhu cầu.

Ông Vũ Anh Quân, Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Hậu Giang cho biết cùng với chính sách y tế, giáo dục thì TGPL là chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước. Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn để nâng cao năng lực, nhận thức về hoạt động trợ giúp pháp lý. Đồng thời, tổ chức kiểm tra kết quả thực hiện công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh.

Nói về công tác TGPL trên địa bàn tỉnh, Luật sư Phan Văn Hùng, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Hậu Giang cho biết, năm 2018 công  triển khai chỉ đạo TGPL đạt chất lượng và hiệu quả tốt hơn so với những năm trước đây. Những đối tượng được trợ giúp trong các vụ án đều được Trung tâm cử trợ giúp viên thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cho các đối tượng. 


Bà Phạm Thanh Tuyền, Giám đốc Sở Tư pháp Hậu Giang yêu cầu các đơn vị cần thẳng thắn chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả các vụ việc TGPL. Cần quyết liệt hành động để người dân hiểu rõ hơn về lợi ích của công tác trợ giúp pháp lý. Đồng thời, để người dân thấy rõ hình tượng mạnh mẽ, chỉn chu hơn của đội ngũ trợ giúp viên. “Thỉnh thoảng nên có một vài diễn đàn  của Hội đồng liên ngành để thảo luận, trao đổi về các vấn đề, tình huống pháp lý. Qua đó giúp các trợ giúp viên nâng cao kinh nghiệm, bản lĩnh trong thực hiện nhiệm vụ”, bà Tuyền đề nghị. Đông thời tăng cường công tác phối hợp giữa các thành viên trong Hội đồng để công tác TGPL ngày càng hiệu quả, thiết thực, gần dân.

Đọc thêm