Vai trò của trưởng thôn trong thi hành án dân sự

(PLVN) - Về mặt hành chính, thôn, ấp, tiểu khu… không phải là một cấp chính quyền, tuy nhiên những đơn vị này lại có liên hệ trực tiếp và gần gũi nhất với nhân dân nên đối với công tác thi hành án dân sự ( THADS), trưởng thôn, trưởng ấp, trưởng tiểu khu… (gọi tắt là trưởng thôn) có một vai trò rất quan trọng.
Hình minh họa
Hình minh họa

Trong công tác thông báo thi hành án: Điều 12 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định, việc thông báo trực tiếp cho đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được thực hiện do bưu tá; người được cơ quan thi hành án ủy quyền; tổ trưởng tổ dân phố; trưởng thôn, làng, ấp, bản, khóm, buôn, phum, sóc nơi người được thông báo có địa chỉ, cư trú, công tác giao văn bản cần thông báo cho người được thông báo. Theo đó, một trong những chủ thể thực hiện việc thông báo thi hành án là trưởng thôn. 

Thực tiễn cho thấy, rất nhiều trường hợp người phải thi hành án có tên gọi ở địa phương (biệt danh) khác với tên gọi trong bản án, hoặc người được thông báo là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, địa chỉ cư trú khó tìm... thì vai trò của trưởng thôn trong việc phối hợp với cơ quan THADS giao thông báo cho đương sự là rất quan trọng.

 Trong công tác xác minh điều kiện thi hành án, trưởng thôn cũng là người nắm rõ chi tiết, cụ thể nhất về nơi cư trú của người được thông báo cũng như điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, người được thi hành án, người có quyền và nghĩa vụ liên quan... tại thôn mình quản lý. Do đó, những thông tin do trưởng thôn cung cấp rất cần thiết và hữu ích đối với cơ quan THADS. 

Trong công tác vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án: Là người có mối quan hệ láng giềng, gần gũi với người phải thi hành án, nên trưởng thôn hỗ trợ rất nhiều trong việc giáo dục, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành án hoặc thỏa thuận thi hành án.

Trong thực tiễn, rất nhiều vụ việc mà trưởng thôn đóng vai trò là cầu nối quan trọng trong việc tác động tới ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án. Bằng tình cảm, tinh thần trách nhiệm, khả năng thuyết phục của mình, trưởng thôn đã giáo dục, thuyết phục vận động người phải thi hành án tự nguyện chấp hành pháp luật, tránh việc cưỡng chế thi hành án, giảm thiểu thiệt hại cho người phải thi hành án, giảm tải công việc cho cơ quan THADS. 

Với tầm quan trọng của cán bộ cấp cơ sở, đặc biệt là vai trò của các trưởng thôn trong công tác quản lý hành chính nhà nước nói chung và công tác THADS nói riêng, cần quan tâm nhiều hơn nữa đến chính sách đãi ngộ đối với đối tượng này. Về chế độ, hiện nay theo quy định tại Điều 13, Thông tư số 04/2012/TT-BNV, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; được hưởng phụ cấp hàng tháng, mức phụ cấp do HĐND cấp tỉnh quyết định theo quy định của pháp luật.

Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố và phó trưởng thôn, tổ phó tổ dân phố được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn những kiến thức, kỹ năng cần thiết; nêu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì được biểu dương, khen thưởng; không hoàn thành nhiệm vụ, có vi phạm khuyết điểm, không được nhân dân tín nhiệm thì tùy theo mức độ sai phạm sẽ bị miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc truy cứu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Quyết định số 31/2013/QĐ-UBND ngày 06/8/2013 thì trên địa bàn TP Hà Nội, mức phụ cấp (hệ số so với mức lương cơ bản) cho trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố được tính như sau: Thôn, tổ dân phố loại 1: hệ số 1,0; Loại 2: 0,8; Loại 3: 0,6 (thực tế là khoảng 1 triệu đồng/tháng). Đây cũng là mức phụ cấp vẫn còn thấp so với khối lượng công việc mà trưởng thôn phải tham gia, đảm nhận. 

Trong lĩnh vực THADS, mức chi cho đại diện tổ dân phố, trưởng thôn, già làng, trưởng bản và các đối tượng khác được huy động tham gia cưỡng chế THADS trong trường hợp cần thiết là 100.000 đồng/người/ngày tham gia cưỡng chế (Thông tư số 200/2016/TT-BTC quy định việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan THADS; kinh phí cưỡng chế THADS). 

Tuy nhiên, cần xem xét bổ sung các quy định mang tính khuyến khích đối với tập thể và cán bộ UBND cấp cơ sở, thôn, trưởng thôn trong các lĩnh vực, trong đó có hoạt động THADS như về công tác thi đua, khen thưởng, Cục trưởng  Cục THADS có thể quyết định khen thưởng (các hình thức, danh hiệu khác nhau) cho các UBND, cán bộ có đóng góp tích cực trong công tác THADS. Qua đó động viên, khuyến khích họ phối hợp tốt hơn trong công tác THADS, góp phần thúc đẩy hiệu quả công tác THADS.  

Đọc thêm