Vướng mắc trong áp dụng pháp luật về cưỡng chế thi hành án dân sự

(PLVN) - So với Luật Thi hành án dân sự (THADS) năm 2008, Luật THADS năm 2014 đã sửa đổi, bổ sung 16 điều liên quan đến cưỡng thế thi hành án nhằm tạo thuận lợi và nâng cao trách nhiệm của chấp hành viên trong áp dụng biện pháp cưỡng chế. Tuy nhiên, các quy định này cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tế. 
Hình minh họa
Hình minh họa

Trong việc xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng của người phải thi hành án trong khối tài sản chung, chấp hành viên còn gặp vướng mắc do quy định pháp luật chưa thống nhất. Theo quy định tại Điều 74, 75 Luật THADS, nếu đương sự không thỏa thuận, không yêu cầu Tòa án giải quyết thì chấp hành viên yêu cầu Tòa án giải quyết việc phân chia, xác định quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.

Chấp hành viên xử lý tài sản theo quyết định của Tòa án. Tuy nhiên, theo điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015, đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung của vợ, chồng thì chấp hành viên xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và thông báo cho vợ, chồng biết. 

Để thuận lợi cho chấp hành viên khi áp dụng pháp luật vào thực tế, trước mắt, cần hướng dẫn thống nhất các cơ quan THADS địa phương thực hiện theo điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP theo hướng chấp hành viên xác định phần quyền sở hữu theo Luật Hôn nhân và Gia đình (với nguyên tắc chia theo tỷ lệ 50-50), đối với tài sản của hộ gia đình thì thực hiện việc chia theo số lượng thành viên của hộ gia đình. Song, về lâu dài, nên sửa đổi theo hướng bỏ quyền yêu cầu phân chia tài sản của chấp hành viên trong trường hợp này.

Đối với việc kê biên quyền sử dụng đất, khoản 2 Điều 110 Luật THADS quy định: “Người phải thi hành án chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà thuộc trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc thuộc diện quy hoạch phải thu hồi đất, nhưng chưa có quyết định thu hồi đất thì vẫn được kê biên, xử lý quyền sử dụng đất đó”. Quy định này mâu thuẫn với Điều 188 Luật Đất đai năm 2013.

Ngoài ra, trên thực tế, công chứng viên từ chối công chứng hợp đồng mua bán tài sản trong trường hợp quyền sử dụng đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc trong trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất nhưng không thế chấp tài sản gắn liền với đất. Vì vậy, cần nghiên cứu sửa đổi thống nhất quy định của Điều 110 Luật THADS với các quy định của Luật Đất đai năm 2013.

Cùng với đó, quy định về việc tạm giao quản lý, khai thác, sử dụng diện tích đất đã kê biên theo khoản 1 Điều 112 Luật THADS hiện nay cũng được cho là cứng nhắc: “Trường hợp diện tích đất đã kê biên đang do người phải thi hành án quản lý, khai thác, sử dụng thì chấp hành viên tạm giao diện tích đất đã kê biên cho người đó”.

Trong nhiều trường hợp, quy định này gây khó khăn cho việc thi hành án trong giai đoạn tiếp theo do người phải thi hành án có thể thay đổi hiện trạng tài sản, không bàn giao tài sản cho cơ quan thi hành án để giao cho người trúng đấu giá dẫn đến việc phải cưỡng chế... Vì vậy, nên sửa đổi quy định theo hướng mở cho chấp hành viên lựa chọn việc tạm giao bảo quản tài sản kê biên.

Liên quan tới quy định cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất, theo khoản 2 Điều 117 Luật THADS thì chưa có quy định cụ thể để giải quyết đối với trường hợp tài sản gắn liền với đất hình thành sau khi có bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật và trước khi có bản án phúc thẩm. Do đó, cần sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng sẽ được xử lý tài sản gắn liền với đất hình thành sau khi có bản án sơ thẩm tại khoản 2 Điều 117 Luật THADS.

Một điểm vướng khác mà chấp hành viên gặp phải trong quá trình cưỡng chế đó là việc giải tỏa kê biên. Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 105 thì giải tỏa kê biên tài sản được thực hiện trong các trường hợp: a, b, c, d.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 75 về giải quyết tranh chấp, yêu cầu hủy giấy tờ, giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án thì trường hợp tài sản của người phải thi hành án bị cưỡng chế thi hành án mà có người khác tranh chấp thì chấp hành viên thông báo cho đương sự, người có tranh chấp về quyền của họ được khởi kiện tại Tòa án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ mà đương sự, người có tranh chấp khởi kiện tại Tòa án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì việc xử lý tài sản được thực hiện theo quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền. 

Trong thực tế xảy ra 2 trường hợp đó là: Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền không chấp nhận yêu cầu của người có tranh chấp thì chấp hành viên xử lý tài sản theo quy định. Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, chấp nhận yêu cầu của người có tranh chấp, xác định tài sản kê biên thuộc về người có tranh chấp không phải của người phải thi hành án.

Lúc này chấp hành viên áp dụng điểm c khoản 1 Điều 37 Luật THADS ra quyết định thu hồi quyết định cưỡng chế. Nhưng thu hồi quyết định cưỡng chế khác với giải tỏa kê biên, ảnh hưởng đến quyền lợi của người có tài sản. 

Vì vậy, cần thiết bổ sung vào điểm c khoản 1 Điều 105 Luật THADS quy định: “Có quyết định thu hồi quyết định kê biên hoặc có quyết định của người có thẩm quyền hủy bỏ quyết định kê biên tài sản, hoặc khi tài sản kê biên không còn”.

Đọc thêm