​Xã hội hóa giám định tư pháp: Cần đột phá hơn nữa

(PLO) - Đây là một trong những nhiệm vụ cụ thể được giao tại Quyết định số 250/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (GĐTP) khi mà việc xã hội hóa công tác GĐTP thời gian qua vẫn còn quá “dè dặt”.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

6 lĩnh vực được thành lập tổ chức giám định “tư”

Các tổ chức GĐTP ngoài công lập là loại hình tổ chức GĐTP mới theo mô hình xã hội hóa được thể chế hóa trong Luật GĐTP năm 2012 theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005. Theo đó, giám định viên tư pháp đủ điều kiện có thể thành lập văn phòng GĐTP hoạt động trong 6 lĩnh vực: Tài chính, xây dựng, ngân hàng, cổ vật, di vật và bản quyền tác giả.

Với tinh thần quyết tâm thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động giám định, UBND TP HCM đã cho phép thành lập Văn phòng GĐTP Sài Gòn hoạt động giám định trong lĩnh vực tài chính. Văn phòng GĐTP Sài Gòn ra đời vào tháng 10/2014 và từ đó đến nay đã góp phần tích cực giải quyết tốt nhu cầu trưng cầu GĐTP của các cơ quan tiến hành tố tụng và đáp ứng kịp thời các yêu cầu giám định của người dân thành phố trong lĩnh vực này. 

Việc lập Văn phòng GĐTP đầu tiên của cả nước theo chủ trương xã hội hóa đã mở ra một hướng mới trong công tác giám định, góp phần tháo gỡ “điểm nghẽn” trong hoạt động tố tụng về thiếu người giám định, thiếu tổ chức thực hiện giám định, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, cũng như nhu cầu giám định của xã hội. Dư luận kỳ vọng đây sẽ là là một dấu hiệu khởi sắc cho hoạt động GĐTP, tạo tiền đề thúc đẩy ngày càng có nhiều văn phòng GĐTP được thành lập theo chủ trương này, góp phần tháo gỡ “điểm nghẽn” trong hoạt động tố tụng.

Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, đến nay, mới chỉ có duy nhất Văn phòng GĐTP Sài Gòn được cấp phép hoạt động. Việc xã hội hóa công tác giám định một cách “dè dặt” đó đã gây những khó khăn nhất định. Tình trạng thiếu hụt người làm giám định vẫn còn, cơ sở vật chất của các tổ chức GĐTP còn lạc hậu. Sau hơn 5 năm thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động GĐTP” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 11/02/2010 (Đề án 258) và Luật GĐTP 2012, khó khăn nhất của hoạt động GĐTP trong các tổ chức giám định công lập và ngoài công lập được chỉ ra cũng chính là vấn đề con người và kinh phí. 

“Làm riêng” Đề án đẩy mạnh xã hội hóa GĐTP trong một số lĩnh vực

Đánh giá chung về việc triển khai Đề án 258 cho thấy một số nhiệm vụ, giải pháp Đề án 258 chưa hoàn thành đầy đủ, cần tiếp tục thực hiện trong nhiều năm tiếp theo như việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm cơ sở vật chất cho tổ chức giám định tư pháp, chính sách thu hút, tôn vinh người giám định, ban hành các văn bản hướng dẫn việc trưng cầu, đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp…

Bên cạnh đó, do yêu cầu của tình hình mới, một số nhiệm vụ, giải pháp cần tiếp tục có sự quan tâm, chỉ đạo thực hiện như cơ chế tiếp nhận, tổ chức thực hiện giám định tư pháp ở các lĩnh vực không có tổ chức giám định tư pháp công lập chuyên trách; tiếp tục hoàn thiện hệ thống tổ chức giám định pháp y tâm thần, chính sách thu hút trong đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực… Vì vậy, với sự tham mưu của Bộ Tư pháp, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 250/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động GĐTP.

Theo đó, Đề án 250 tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như hoàn thiện thể chế GĐTP; tiếp tục hoàn thiện tổ chức GĐTP; nâng cao chất lượng GĐTP, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ giám định; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GĐTP…

Đáng chú ý, cần nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền thành lập Tổ tư vấn liên ngành về GĐTP gồm đại diện Ban Nội chính Trung ương, VKSNDTC, Bộ Công an, TANDTC, Bộ Tư pháp (đề nghị VKSNDTC là cơ quan thường trực). Tổ Tư vấn liên ngành hoạt động kiêm nhiệm, làm đầu mối tổng hợp, nghiên cứu, tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về GĐTP trong quá trình chỉ đạo, giải quyết án tham nhũng.

Riêng về chủ trương xã hội hóa công tác này, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định phê duyệt Đề án đẩy mạnh xã hội hóa GĐTP trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng và các lĩnh vực khác theo quy định của Luật GĐTP, bảo đảm điều kiện để thực hiện xã hội hóa được các lĩnh vực này trên thực tế. Nhiệm này phải được hoàn thành vào quý IV/2018.

Được biết, để đáp ứng nhu cầu và nâng cao chất lượng GĐTP, một số địa phương (như TP HCM) đã nghiên cứu, xây dựng cơ chế riêng để thu hút nguồn lực theo hướng xã hội hóa GĐTP, xây dựng cơ chế ưu đãi riêng đối với các tổ chức GĐTP ngoài công lập (ngoài việc miễn thuế của Trung ương thì có thể ưu đãi thêm các vấn đề khác như miễn thuế đất đai, tạo điều kiện vay tiền mua trang thiết bị...). 

Đọc thêm