Xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp tại TP HCM: Đóng góp quan trọng vào cải cách tư pháp

(PLO) - Sở Tư Pháp TP HCM đánh giá, hoạt động trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp (BTTP), nhất là việc xã hội hóa, đã có những đóng góp tích cực, tạo chuyển biến lớn trong chiến lược cải cách tư pháp của TP. 
Sở Tư pháp TPHCM tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác giám định tư pháp
Sở Tư pháp TPHCM tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác giám định tư pháp

Theo đánh giá, việc xã hội hóa các hoạt động trong lĩnh vực BTTP trên địa bàn TP HCM, trong đó chuyển giao cung cấp dịch vụ công từ cơ quan nhà nước sang tổ chức cung cấp dịch vụ ngoài công lập, đã góp phần giảm bớt gánh nặng cho biên chế và ngân sách nhà nước.

Đồng thời, nó góp phần tăng nguồn thu ngân sách của địa phương, giải quyết công việc cho nhiều người lao động, nâng cao chất lượng phục vụ…

Nổi bật nhất phải kể đến sự ra đời các văn phòng công chứng, bên cạnh các phòng công chứng nhà nước. TP HCM hiện có 86 tổ chức hành nghề công chứng. Trong đó có 7 phòng công chứng của Nhà nước, 79 văn phòng công chứng và 358 công chứng viên hoạt động hành nghề.

Nếu năm 2016 chỉ có hơn 1 triệu vụ việc được công chứng thì năm 2017 là 1,2 triệu; năm 2018 gần 1,4 triệu vụ việc được công chứng (tăng gần 20%/năm). Các văn phòng công chứng đã giúp người dân TP HCM có nhiều lựa chọn khi cần thực hiện hoạt động công chứng, chứng thực, đồng thời góp phần quan trọng vào phòng ngừa tranh chấp, khiếu nại trong lĩnh vực đất đai, nhà ở - vốn phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tranh chấp. 

Bên cạnh đó, việc thực hiện chế định Thừa phát lại đã làm xuất hiện một nghề mới trong thị trường cung cấp dịch vụ pháp lý, huy động được nguồn lực xã hội về nhân lực và tài chính, tận dụng được chất xám của đội ngũ tri thức, luật gia với kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật.

Hoạt động của Thừa phát lại đã góp phần thúc đẩy ổn định trật tự trong giao lưu dân sự, kinh tế thông qua hoạt động lập vi bằng, tạo chứng cứ giúp chủ động bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và cho hoạt động xét xử của tòa án.

Đối với lĩnh vực giám định tư pháp, nếu trước đây hoạt động giám định tư pháp bị xem là “điểm nghẽn” trong hoạt động tố tụng thì hiện nay công tác giám định tư pháp có sự chuyển biến theo chiều hướng tích cực, từng bước đáp ứng nhu cầu giám định của các cơ quan tố tụng nói riêng và nhu cầu của xã hội nói chung, số lượng vụ việc giám định tăng đều hàng năm…

Nhờ thực hiện chủ trương xã hội hóa, hoạt động BTTP của TP HCM đã có bước phát triển mạnh mẽ hơn, nhiều hoạt động có tính đột phá, ngày càng khẳng định vai trò, tác dụng trong việc bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của hoạt động tư pháp trong NNPQ.

Đồng thời, qua thực tiễn hoạt động BTTP tại TP HCM cho thấy, mặc dù chỉ đóng vai trò bổ trợ, nhưng các hoạt động BTTP, trong đó “chủ đạo” là hoạt động luật sư, công chứng, giám định tư pháp đã đóng góp quan trọng vào công cuộc cải cách tư pháp nói chung và hoạt động tố tụng, xét xử nói riêng.

Đọc thêm