Xã hội hóa một số lĩnh vực giám định tư pháp: Vì sao khó?

(PLO) - Sau 5 năm triển khai thực hiện Luật Giám định tư pháp, công tác giám định tư pháp đã có bước phát triển quan trọng. Tuy nhiên, những kết quả trên vẫn chưa thực sự đáp ứng được mục tiêu giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng đã đề ra, nhất là việc thực hiện xã hội hóa giám định tư pháp trong một số lĩnh vực còn rất chậm. Tại sao lại như vậy trong khi Đảng và Nhà nước vẫn luôn đề cao chủ trương xã hội hóa này?
Xã hội hóa một số lĩnh vực giám định đang gặp khó khăn. (Hình minh họa)
Xã hội hóa một số lĩnh vực giám định đang gặp khó khăn. (Hình minh họa)

Chưa có cơ chế giám sát hoạt động giám định “tư”

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, ngoài Văn phòng Giám định tư pháp Sài Gòn được UBND TP HCM cho phép thành lập từ năm 2013 đang hoạt động giám định về tài chính thì các lĩnh vực khác chưa có tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập nào được thành lập. Bộ Tư pháp lý giải, công tác giám định tư pháp trong lĩnh vực ngân hàng, xây dựng, văn hóa… thời gian qua do các bộ, ngành, sở chuyên môn hoặc cơ quan, đơn vị của Nhà nước làm kiêm nhiệm nên không phát huy được tính năng động, tự chủ và trách nhiệm.

Tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở khu vực ngoài nhà nước không nhiều, năng lực giám định còn hạn chế, chưa tạo được niềm tin đối với cơ quan tiến hành tố tụng. Mặt khác, các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ tập trung trưng cầu các bộ, ngành, sở chuyên môn mà chưa chú trọng hướng đến trưng cầu các tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập thực hiện giám định.

Còn theo giải thích của các bộ, ngành khác thì sao? Ông Lê Đức Trường (C46, Bộ Công an) cho biết, hiện nay phần lớn các vụ án, vụ việc đều được Tòa án, Viện kiểm sát yêu cầu phải giám định, hay án chờ giám định, chờ định giá cũng vô cùng nhiều, do vậy nhu cầu giám định là rất lớn. Nếu thành lập được tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập thì rất thuận tiện.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Công an cũng chia sẻ, vẫn có nhiều ý kiến băn khoăn rằng, nếu là cơ quan nhà nước thực hiện giám định thì có sự ràng buộc trách nhiệm cao, nhưng nếu là tư nhân thực hiện thì chưa có cơ chế giám sát hoạt động. Do đó, ông Trường đề xuất cần phải tập trung xây dựng cơ chế giám sát hoạt động của tổ chức giám định ngoài công lập để tránh xảy ra việc “chạy giám định”.

Bên cạnh cơ chế giám sát hoạt động của tổ chức giám định, cũng cần có cơ chế về tài chính, vì theo ông Nguyễn Minh Châu (Cục Giám định, Bộ Xây dựng), số lượng vụ việc trưng cầu giám định tư pháp ngành Xây dựng không nhiều (khoảng 40 vụ/năm) nên việc thành lập văn phòng giám định tư pháp không thể duy trì. Trong lĩnh vực xây dựng đã thực hiện xã hội hóa bằng các hình thức công bố các tổ chức giám định tư pháp về xây dựng, các công ty tư vấn.

Các tổ chức này có chức năng kiểm định, trưng cầu giám định tư pháp, hoàn toàn có thể tận dụng các tổ chức này. Hơn nữa, chi phí công tác giám định tư pháp về xây dựng là rất lớn bởi liên quan đến nhiều thiết bị máy móc chuyên dụng để thực hiện, thậm chí có những vụ việc chi phí giám định lớn gấp nhiều lần công trình xây dựng cần giám định. 

Đề xuất không trưng cầu giám định qua Tòa án

Cũng như các ý kiến trên, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc xã hội hóa là cần thiết ở chỗ có thể đảm bảo tính khách quan. Nếu như trưng cầu các cơ quan bộ, ngành giám định lần 1, lần 2… thì đến lần 2 có thể trưng cầu giám định ngoài công lập. Tuy nhiên, ngoài cơ chế giám sát, cần có thêm quy định về tiêu chuẩn đối với giám định viên (kể cả đã nghỉ hưu), ràng buộc trách nhiệm của giám định viên khi thực hiện nhiệm vụ để cơ quan trưng cầu giám định tin tưởng, yên tâm sử dụng các kết luận giám định. 

Đại diện VKSNDTC đề xuất tới đây phải thành lập thí điểm văn phòng giám định ngoài công lập theo các tiêu chí mới về quản lý, về cơ chế. Sau khi thí điểm xong sẽ cân nhắc với tổ chức giám định theo vụ việc, nếu tổ chức nào có chi phí phù hợp hơn thì sẽ cân nhắc việc nhân rộng. 

Còn theo đại diện của Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, cần dự báo được nhu cầu trưng cầu thì mới tính được việc thành lập các tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập. Đồng thời, phải xác định rõ việc chậm kết quả giám định có phải là do thiếu văn phòng giám định, hay do ách tắc ở một khía cạnh nào khác.

Vị đại diện phân tích, từ nhiều năm trước Luật Tố tụng Dân sự đã quy định về nghĩa vụ chứng minh của đương sự, kết quả giám định là một trong những tài liệu quan trọng để chứng minh thì vẫn đề nghị giám định qua Tòa án. 

Do vậy, nên chăng tính đến lộ trình sửa cơ chế liên quan đến vấn đề này. Cụ thể, đương sự có quyền đề nghị trưng cầu giám định luôn và kết quả giám định là một trong những chứng cứ để chứng minh, chứ không phải thông qua Tòa án để có kết quả giám định, từ đó sẽ tạo ra thị trường cho hoạt động giám định.

“Điều này giống như trong hoạt động công chứng, khi người dân được tự do sử dụng văn bản công chứng trong nhiều hoạt động thì lúc đó tự nhiên sẽ tự tạo ra thị trường mà chúng ta không phải ngồi nghĩ ra thị trường cho việc giám định” – đại diện Văn phòng Ban Chỉ đạo đúc rút.

Đọc thêm