Xác định rõ thẩm quyền ra quyết định thi hành án giữa các cấp

(PLVN) - Do pháp luật về thi hành án dân sự (THADS) chưa quy định rõ ràng thế nào là vụ việc có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc phải ủy thác tư pháp về THA nên đôi khi cơ quan THADS cấp tỉnh và cấp huyện còn lúng túng trong việc xác định thẩm quyền ra quyết định THA.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thẩm quyền giữa Cục và Chi cục

Theo điểm i khoản 2 Điều 35 Luật THADS, cơ quan THADS cấp tỉnh có thẩm quyền thi hành các bản án, quyết định quy định tại khoản 1 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp về THA. Vậy như thế nào là có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài và ở trong thời gian bao lâu.

Trong trường hợp bản án, quyết định của Tòa án sơ thẩm cấp huyện xét xử đối với các vụ việc liên quan đến Công ty của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hoặc người Việt Nam đang cư trú tại nước ngoài thì cơ quan THADS cấp huyện khi nhận được bản án, quyết định do Tòa án chuyển sang thì có ra quyết định THA đối với các khoản chủ động hay không?

Thứ nhất, quy định nêu trên xuất phát từ quy định tại khoản 3 Điều 35 và điểm c khoản 1 Điều 36 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định về thẩm quyền giải quyết đối với những tranh chấp, yêu cầu mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp tỉnh.

Vì vậy, trong những trường hợp cụ thể mà khó khăn trong việc xác định vụ việc có yếu tố nước ngoài hay không, đương sự ở nước ngoài hay không thì cơ quan THADS cần có văn bản đề nghị Tòa án xem xét xác định đương sự ở nước ngoài hay ở Việt Nam. Trường hợp Tòa án vẫn xác định đương sự đang ở Việt Nam thì cơ quan THADS cấp huyện ra quyết định THA.

Trường hợp đương sự ở nước ngoài thì cơ quan THADS chuyển hồ sơ để Cục THADS ra quyết định và tổ chức THA. Đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được thành lập và hoạt động tại Việt Nam (mặc dù đại diện theo pháp luật là người nước ngoài) thì vẫn được coi là doanh nghiệp Việt Nam và thuộc thẩm quyền THA của cơ quan THADS cấp huyện.

Mặt khác, khi sửa đổi, bổ sung Luật THADS thì cần cân nhắc có cần thiết giữ quy định tại điểm i hay không? Hay chỉ cần bổ sung vào điểm h khoản 2 Điều 35 để thuộc diện Cục THADS thấy cần thiết rút lên để thi hành hoặc để tiến hành các thủ tục ủy thác tư pháp, nhằm tránh lúng túng trong xác định thẩm quyền ban đầu?

Nếu giữ nguyên quy định trên thì cần làm rõ thế nào là vụ việc có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài (ở nước ngoài có đồng nghĩa với việc thường trú không? Ở từ bao lâu trở lên thì là nước ngoài? Đương sự ở nước ngoài không rõ địa chỉ thì giải quyết thế nào? Đương sự ở trong nước nhưng có người thứ ba là người có tài sản, người đồng sở hữu thì ở nước ngoài có thuộc diện trên hay không?...).

THA chủ động và theo đơn

Ngoài vướng mắc nêu trên, cơ quan THADS còn gặp khó khăn trong việc xác định ra quyết định THA chủ động hay theo đơn đối với người được THA là ngân hàng có 100% vốn nhà nước hoặc các Công ty TNHH một thành viên có đại diện phần vốn góp chi phối của Nhà nước theo quy định tại Điều 36 Luật THADS.

Cụ thể, theo điểm c khoản 2 Điều 36 Luật THADS, cơ quan THADS chủ động ra quyết định THA đối với “khoản thu khác cho Nhà nước”. Còn theo khoản 3 Điều 6 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP thì “Các khoản thu khác cho Nhà nước quy định tại điểm c khoản 2 Điều 36 Luật THADS thuộc diện chủ động ra quyết định THA bao gồm khoản truy thu thuế, khoản viện trợ cho Nhà nước và các khoản bồi thường cho Nhà nước trong các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; các khoản thu khác nộp trực tiếp vào ngân sách nhà nước”. 

Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 3 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã quy định: “Hết thời hạn 1 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được THA đối với khoản tiền, tài sản thuộc sở hữu nhà nước không yêu cầu THA thì cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó có trách nhiệm chỉ đạo việc yêu cầu THA”.

Như vậy, các khoản thu nêu trên đối với trường hợp người được THA là ngân hàng có 100% vốn nhà nước hoặc các Công ty TNHH một thành viên có đại diện phần vốn góp chi phối của Nhà nước thì cần xác định thuộc diện cơ quan THADS ra quyết định THA khi có yêu cầu THA.

Ngoài ra, tại điểm b khoản 2 Điều 36 Luật THADS có xác định khoản “trả lại tiền, tài sản cho đương sự” thuộc diện chủ động THA. Lý do của việc xếp loại việc này vào diện chủ động thi hành khẳng định trách nhiệm của Nhà nước trong việc đảm bảo quyền của chủ sở hữu tài sản (do các cơ quan tố tụng thu giữ trước đó), sớm kết thúc việc xử lý tài sản mà mình đang quản lý.

Tuy nhiên, quy định này chưa rõ nên gây nhầm lẫn với các khoản bản án tuyên buộc bên phải THA trả lại tiền tài sản cho người được THA, đây cũng là khoản thuộc quyền tự định đoạt của chủ sở hữu tài sản (có thể muốn nhận lại tài sản hoặc không…). Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu xem có tiếp tục giữ nguyên quy định loại việc này thuộc diện chủ động thi hành hay sửa đổi theo hướng thuộc diện theo đơn yêu cầu THA? 

Đọc thêm